Mỹ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng mạnh sau lệnh cấm phá thai
Sau gần hai năm quyết định bãi bỏ quy định về quyền phá thai ở cấp liên bang, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Mỹ đã ghi nhận mức gia tăng rõ rệt.
Quyết định Dobbs là phán quyết được đưa ra bởi Tòa án Tối cao Mỹ, theo đó không công nhận quyền phá thai trong Hiến pháp nước này. Tuy nhiên, chính quyền các bang sẽ tự quy định về luật phá thai tại khu vực mà mình quản lý. Với phán quyết này, một số bang ở Mỹ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn thậm chí cấm phụ nữ được phá thai.
Theo một nghiên cứu gần đây, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng vọt ở bang Texas sau khi lệnh cấm phá thai có hiệu lực vào năm 2021. Nhiều chuyên gia cho rằng các lệnh cấm và hạn chế phá thai được ban hành sau tại một số bang đã có những tác động đến tỷ lệ tử vong trên toàn quốc.
Trong bài nghiên cứu được công bố ngày 21/10 trên tạp chí JAMA Pediatrics, TS. Parvati Singh và nhà khoa học Maria Gallo đã so sánh tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong 18 tháng sau khi quyết định Dobbs được công bố, với những con số được thống kê từ những năm trước đó.
Nhóm tác giả phát hiện tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh sau khi quyết định được áp dụng cao hơn mức bình thường trong một số tháng và chưa từng giảm xuống dưới mức dự báo.
Các tháng mà tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn dự kiến là tháng 10/2022, tháng 3 - 4/2023, cụ thể tỷ lệ tăng khoảng 7%, dẫn đến trung bình có thêm 247 ca tử vong trẻ sơ sinh trong các tháng đó.
Theo nghiên cứu mới, khoảng 80% số ca tử vong này là do các trường hợp mắc phải dị tật bẩm sinh. Các ca dị tật có thể dao động từ các trường hợp nhẹ đến nặng, dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, trẻ có dị tật bẩm sinh chỉ có thể sống sót trong vài tháng.
Tuy nhiên, TS. Parvati Singhi cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Tử vong là một kết quả “nhẹ nhàng” nhất cho bất cứ căn bệnh quái ác nào. Việc những đứa trẻ mang dị tật chào đời nhưng phải mang theo nhiều đau đớn cho các em cũng như trở thành gánh nặng cho cha mẹ được xem là vô nhân đạo hơn cả.
Các chuyên gia cho biết lệnh cấm phá thai cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cho các thai phụ và con trẻ.
“Sức khỏe của người mang thai có liên quan mật thiết đến sức khỏe của thai nhi”, TS. Upadhyay cho biết. Những người phải đối mặt với nhiều khó khăn như nghèo đói, trình độ học vấn thấp, môi trường sống không an toàn và các áp lực cuộc sống khác cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các ảnh hưởng xấu trong quá trình mang thai và sinh con.
“Không phải người mẹ nào cũng có thể vượt qua các rào cản từ những lệnh cấm này”, ông Alison Gemmill, nhà nhân khẩu học, đồng thời là chuyên gia dịch tễ học sinh sản tại Đại học Johns Hopkins kết luận.