Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 02/02/2023 10:16 (GMT+7)

Mức điều chỉnh điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học, cao đẳng

Theo dõi GĐ&PL trên

Bộ GD&ĐT điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023. Theo đó, sẽ giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm; sĩ tử đạt 30 điểm thì điểm ưu tiên sẽ bằng 0.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ đã đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên. Theo đó, điều chỉnh này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà với tất cả phương thức xét tuyển.

Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển, cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp. Quy định này sẽ được thực hiện từ năm 2023.

Lý giải về điều chỉnh trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 03 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 03 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 03 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý. Theo đó, tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. 

Điều này dẫn tới mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Để khắc phục bất hợp lý nêu trên, bảo đảm công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), Quy chế tuyển sinh quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 03 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0). 

Như vậy, sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30; các ngành điểm đầu vào cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Thống kê cũng cho thấy, nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao, tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên. Với thực tế nêu trên, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi chính là nhóm ở khu vực 3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, áp dụng chính sách xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục, đào tạo bậc cao đối với thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Song cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và trở thành yếu thế.

Theo quy định, cách tính điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 03 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.