Một số đề xuất với người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Tại tờ trình Chính phủ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Bên cạnh đó, tăng mức trợ cấp từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí và trợ cấp mai táng 10 triệu đồng khi qua đời.
Tại tờ trình Chính phủ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định hiện hành, trợ cấp hưu trí xã hội là khoản tiền ngân sách Nhà nước cấp cho người già trên 80 tuổi không có lương hưu cũng như trợ cấp BHXH hàng tháng. Tuy nhiên, chính sách này đang xuất hiện khoảng trống khi những người già dưới 80 tuổi chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
Do đó, đi kèm với giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, cơ quan soạn thảo muốn lấp khoảng trống trên bằng đề xuất liên kết vào chính sách theo hướng người lao động (NLĐ) đóng BHXH dưới 15 năm mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng (từ Quỹ BHXH) và cấp thẻ BHYT trong thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (do Nhà nước chi trả).
Nếu đề xuất này được thông qua, lao động nam có thể được hưởng trợ cấp từ Quỹ BHXH lên đến 13 năm, nữ là 15 năm. Mức trợ cấp tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng BHXH. Trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ Quỹ BHXH chết thì thân nhân được nhận trợ cấp một lần cho những tháng còn lại và trợ cấp mai táng (nếu đủ điều kiện).
Dẫn chứng về vấn đề này, theo Bộ LĐ-TB&XH, lao động nam 62 tuổi có 05 năm đóng BHXH bắt buộc với mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 06 triệu đồng/tháng. Do chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, đồng thời chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nên khi hết tuổi lao động sẽ không có thu nhập hàng tháng, không có thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Nếu theo quy định liên kết hỗ trợ thì người này sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng ngay từ lúc hết tuổi lao động, thay vì phải chờ đến 80 tuổi như quy định hiện hành…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, 60 tuổi trở lên đối với nam). Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội hiện hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Như vậy, vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH.
Như vậy, để đạt được mục tiêu Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách BHXH, đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
“Việc tăng đối tượng hưởng lương hưu cần có thời gian, không thể làm ngay một lúc. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ gia tăng số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thông qua điều chỉnh giảm tuổi hưởng sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu", Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Từ đó, đề xuất điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là từ đủ 75 tuổi trở lên để thể chế hóa một bước chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Đồng thời, giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định tiếp tục điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Theo số liệu từ kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê, số người từ 75 tuổi trở lên ở nước ta khoảng 3 triệu người, từ 80 tuổi trở lên khoảng 1,9 triệu người. Do đó, theo tính toán, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng thêm khoảng 800.000 người.
Theo đề xuất tại dự thảo Luật, mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH nếu được nâng từ 360.000 lên 500.000 đồng/người/tháng thì kinh phí phát sinh thêm ước tính hơn 2,2 ngàn tỉ đồng/năm. Con số này chưa bao gồm kinh phí phát sinh khi mua BHYT, việc gia tăng đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng năm...