Mẹo trả lời câu hỏi “Bạn muốn mức lương bao nhiêu? khi phỏng vấn
Nhiều ứng viên dù có kinh nghiệm nhưng vẫn mắc sai lầm với câu hỏi “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”. Hoặc là đưa ra mức lương quá cao khiến bản thân mất cơ hội có được công việc mơ ước hoặc nhận mức lương chưa tương xứng với năng lực và trách nhiệm.
Trên thực tế, đây là câu hỏi đầy tính sàng lọc và không dễ trả lời. Không có câu trả lời nào tốt chung cho mọi ứng viên mà mỗi trường hợp sẽ có cách trả lời phù hợp nhất. Dưới đây là một số cách trả lời gợi ý mà bạn có thể tham khảo.
Tiền bạc chưa phải ưu tiên hàng đầu
Các công ty tuyển dụng việc làm có thừa các bí quyết đàm phán lương. Họ cũng luôn có quỹ lương nhất định cho vị trí tuyển dụng. Vì thế, đừng nghĩ khi đưa ra một con số bạn sẽ được đáp ứng ngay, nhất là với những sinh viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm.
Với trường hợp này, bạn không nên đưa ra con số cụ thể. Bởi mới đi làm, bạn chưa thể xác định chính xác năng lực bản thân; cũng chưa từng trải qua công việc tương tự để đo lường giá trị của mình.
Cách tốt nhất là nên cho nhà tuyển dụng thấy, bạn muốn mang lại giá trị cho doanh nghiệp trước. Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng tiền bạc chưa phải là ưu tiên lớn nhất của bạn ở thời điểm hiện tại. Bạn cần môi trường làm việc có điều kiện để phát triển và học tập. Bạn mong muốn được trưởng thành, được phát huy thế mạnh và mang giá trị cho doanh nghiệp.
Ví dụ: “Em cảm ơn anh/chị đã cho em cơ hội được đề xuất mức lương. Em luôn hiểu, phần thưởng và mức lương sẽ tương xứng với giá trị cống hiến. Hiện tại, điều em mong đợi là một môi trường làm việc giúp em có thể học hỏi, phát triển...”
Nhà tuyển dụng sẽ bị thuyết phục bởi câu trả lời như thế. Bởi, khi trao cơ hội cho ứng viên thiếu kinh nghiệm, họ muốn biết bạn có mục tiêu và thái độ ra sao. Với nhiệt huyết và mục tiêu rõ ràng như trên, họ sẽ không để bạn bị “thiệt thòi”.
Khéo léo chuyển câu hỏi sang nhà tuyển dụng
Nhiều bạn dù có kinh nghiệm vẫn bị “hớ” khi trả lời câu hỏi “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”. Bởi tâm lý của người đi xin việc luôn là sợ mất cơ hội. Đưa ra mức lương cao quá thì sợ không được chọn mà đưa ra mức lương thấp thì sợ bản thân thiệt thòi.
Trong trường hợp bạn muốn công việc nhưng lại chưa kịp tìm hiểu kỹ về mức lương hoặc chính bạn cũng hoang mang với con số dự định đưa ra thì nên tránh trả lời trực tiếp. Thay vào đó, hãy chuyển câu hỏi sang nhà tuyển dụng.
Ví dụ: “Tôi thấy bản thân có đủ năng lực đáp ứng cho công việc này. Đây là công việc tôi yêu thích và muốn gắn bó lâu dài. Anh/chị có thể cho tôi biết ngân sách cho vị trí này thế nào không?”
Câu hỏi vừa giúp tránh câu trả lời trực tiếp vừa giúp bạn có dữ liệu, cơ sở để đưa ra nhận định thậm chí là con số cụ thể sau đó để đàm phán với nhà tuyển dụng.
Đưa ra mức lương dựa trên khảo sát
Mức lương là để bạn trang trải cuộc sống, tái tạo sức lao động và trách nhiệm đó thuộc về người sử dụng lao động. Nếu bạn tự tin vào năng lực, hiểu rõ giá trị của mình thì không cần phải trả lời “nước đôi” hay “lẩn tránh”.
Hãy đưa ra con số bạn mong muốn dựa trên sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Điều này đòi hỏi bạn phải trả lời được ít nhất ba câu hỏi: Năng lực của bạn xứng đáng nhận mức lương bao nhiêu? Nhà tuyển dụng trước đó đã chi trả cho vị trí này như thế nào? Trên thị trường, vị trí của bạn đang có khoảng lương thế nào? Thậm chí, bạn có thể nghiên cứu thêm thông tin về việc đối thủ của doanh nghiệp đang chi trả như thế nào cho vị trí của bạn.
Tất nhiên có trường hợp bạn không được đáp ứng ngay. Nhưng chính sự thẳng thắn, tự tin và chuẩn bị nghiêm túc sẽ khiến nhà tuyển dụng chủ động “deal” lương với bạn.
Đàm phán thêm phúc lợi khác
Rất khó đạt được con số mong muốn, kể cả bạn là ứng viên tốt nhất. Nhưng cũng đừng vì thế mà mất niềm tin và dừng lại đàm phán. Bởi bạn vẫn có thể gia tăng thêm phúc lợi khác. Hãy tập trung và cân nhắc phúc lợi nào quan trọng với bạn và đề xuất với nhà tuyển dụng.
Ví dụ, về nguồn chi phí tài trợ các khóa học nâng cấp kỹ năng, chuyên môn; về số ngày nghỉ phép có lương; về hình thức làm việc online …
Ngoài ra, bạn cũng nên để “ngỏ” cho mình cơ hội được đàm phán lương sau một khoảng thời gian làm việc chính thức.
Ví dụ nếu công ty đang để quy định là sau 6 tháng sẽ đánh giá lại năng lực và xem xét mức lương thì bạn nên đàm phán xuống 3-4 tháng... để tăng cơ hội được tăng lương sớm.
Nhiều ứng viên nghĩ đơn giản, chỉ cần đưa ra một con số là đủ cho câu hỏi “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”. Tuy nhiên, để có câu trả lời phù hợp, bạn cần phải hiểu rõ nhà tuyển dụng muốn gì và bạn có gì. Khi “biết người, biết ta” thì chắc chắn câu hỏi mức lương sẽ không làm khó được bạn.