Mẹ dìm tử vong 2 con nhỏ ở Nam Định: Đau lòng bi kịch trầm cảm sau sinh
Sự việc người mẹ dìm tử vong 2 con nhỏ xảy ra tại Nam Định khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, xót xa. Một số thông tin cho rằng, mẹ cháu bị trầm cảm sau sinh nên đã gây ra sự việc đau lòng.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết bất cứ hành vi nào sát hại trẻ em cũng đáng lên án, có thể còn gọi đó là tội ác.

Với hành vi dìm chết 2 con nhỏ (một bé 5 tuổi, một bé 2 tuổi) người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với tình tiết định khung tăng nặng là Giết 2 người trở lên và Giết người dưới 16 tuổi.
Theo đó, người mẹ này có thể đổi diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quản cảnh sát điều tra cần tiến hành xác minh tình tiết của vụ án để đưa ra mức xử phạt phù hợp theo quy định của pháp luật.
Về thắc mắc cho rằng, trường hợp người mẹ đang bị bệnh trầm cảm, thì người này có thể bị xử lý thế nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền, cho biết trong trường hợp, sau khi tiến hành điều tra phát hiện người mẹ đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 thì người mẹ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, nếu người mẹ không có đủ điều kiện nêu trên và có đủ căn cứ cấu thành tội giết người theo quy định 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì người mẹ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Tuy nhiên, người mẹ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo Điểm q Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 khi người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Mặc dù chưa có thông tin kết luận điều tra chính thức về việc người mẹ trong vụ việc này có bị trầm cảm hay không. Tuy nhiên, Luật sư khuyến cáo rằng mỗi người mẹ cần phải biết tự yêu thương bản thân, tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống.
Mỗi người chồng, người thân trong gia đình cần sẻ chia, động viên và xã hội cũng cần phải nhìn nhận căn bệnh trầm cảm giống như những bệnh lý thông thường, cần được chăm sóc điều trị, tránh sự định kiến, phân biệt, dẫn tới tâm lý mặc cảm, dấu bệnh, tự chữa bệnh để rồi trong một thời điểm mất kiểm soát dẫn đến hành vi đau lòng.
“Trầm cảm sau sinh có chữa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.
Hiểu rõ được nguyên nhân và hậu quả của bệnh trầm cảm bản thân mỗi người phụ nữ chúng ta nên có biện pháp phòng tránh và khắc phục căn bệnh này để xây dựng gia đình hạnh phúc”, Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm.
Trước đó, sự việc xảy ra vào khoảng 10h sáng 8/3 người dân xã Nghĩa Sơn phát hiện một người phụ nữ đang dìm 2 bé gái xuống sông Ninh Cơ.
Lúc này, người dân lập tức lao vào cứu hô hoán đưa 2 cháu nhỏ đến cơ sở y tế cấp cứu, nhưng 2 cháu đã tử vong trước đó. Theo thông tin ban đầu, 2 nạn nhân là bé gái (sinh năm 2018 và 2021).
Sau khi tiếp nhận tin báo, chính quyền và công an xã Nghĩa Sơn đã đến hiện trường, đưa người phụ nữ về trụ sở.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng