Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 03/02/2024 06:47 (GMT+7)

Mâm cỗ cúng 30 Tết (tất niên) gồm những gì, văn khấn như thế nào?

Theo dõi GĐ&PL trên

Ngày 30 là ngày mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị mâm lễ cúng thật chu đáo để bước qua năm mới. Lễ cúng này thường được gọi là cúng “tất niên” hay một số vùng miền Trung gọi là cúng “vô tết”. Lễ cúng tất niên chủ yếu nhằm mục đích mời Táo quân về lại trần gian và mời tổ tiên về sum vầy cùng con cháu.

Dân tộc ta có tín ngưỡng thờ cúng người đã khuất trong gia đình đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Mâm cúng vào ngày 30 Tết để con cháu tỏ lòng thành kính, cảm tạ ơn đức sinh thành, dưỡng dục. Ngoài việc hiếu kính với tổ tiên thì còn là dịp cầu xin tiên tổ phù hộ độ trì cho thế hệ sau.

Ngoài ra, mâm cỗ cúng ngày 30 Tết còn mang ý nghĩa tinh thần. Dịp tết đến xuân về con cháu xa gần có dịp đoàn tụ, sau khi mâm cỗ đã cúng xong thì sẽ lấy xuống cho gia đình hưởng lộc. Vì thế mâm cỗ tất niên ngày 30 còn có giá trị văn hóa gia đình, thể hiện ý nghĩa sum vầy, quây quần.

Mâm cỗ cúng 30 Tết (tất niên) gồm những gì, văn khấn như thế nào?
Mâm cỗ cúng 30 Tết (tất niên). Ảnh minh hoạ.

Mâm cỗ cúng 30 Tết truyền thống

Mâm cỗ cúng 30 Tết truyền thống gồm các món ăn đặc trưng như: Gà luộc, xôi, bánh chưng, dưa hành, giò nạc, giò thủ, món xào, nem, rau nộm, măng ninh, mọc nước, cơm 3 bát, miến, trứng luộc,...Tuỳ vào phong tục mỗi vùng miền và sở thích của từng gia đình sẽ có sự thay đổi một số món khác nhau nhưng nhìn chung đều khá tương đồng.

Trên mâm cỗ tết thường sắp xếp theo hình thức 4 bát, 4 đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa…Cũng có nhà chuẩn bị mâm cỗ lớn xếp cao từ 2 đến 3 tầng.

Với các gia đình cúng chay thì có thể dâng cúng mâm cỗ chay gồm: Bánh chưng chay, chè kho, chè bà cốt (chè con ong), cơm, đậu rán, giò chay, canh củ quả chay hoặc canh măng chay, nộm đu đủ, xôi đậu xanh,...

Văn khấn lễ tất niên 30 Tết

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con kính lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần.

Con kính lạy các ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương.

Con kính lạy ngài bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

Con kính lạy chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Tiên linh nội ngoại họ .........

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm .......

Tín chủ (chúng) con là: ...........

Ngụ tại..........

Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Văn khấn gia thần ngày tất niên

Theo tục lệ xưa để lại, vào ngày 30 Tết, ngoài việc cúng gia tiên, để lễ tạ gia tiên qua một năm đã phù hộ độ trì cho con cháu, các gia đình và các công ty, cửa hàng thường làm lễ cúng gia thần để tạ chỗ "đất đai" sau một năm làm ăn.

Sắm lễ tùy tâm, cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món đơn giản như xôi, chè, hương, hoa, trầu cau, quả, tiền vàng, trà rượu… Bàn lễ đặt tại sân hoặc hiên nhà và khi cúng lạy ra phía trước nhà:

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân

Con kính lạy ngài bản gia Thổ địa Long mạch Tôn thần

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần

Con kính lạy ngài Tiền hậu Địa chủ Tài thần

Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này

Tín chủ (chúng) con là: …………………………………

Tuổi: ………………….........

Ngụ tại: …………

Hôm nay là ngày…… tháng…… năm…., tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Qua một năm làm ăn, chúng con xin dâng lễ tạ ơn trên đã phù hộ độ trì cho chúng con mọi sự an lành và may mắn.

Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, ngài bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài bản gia Thổ địa Long mạch Tôn thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con, toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.