'Mai': Bước tiến của Trấn Thành, hình ảnh chỉn chu nhưng vẫn còn nhiều hạt sạn
Trấn Thành đã có bước tiến mới trong vai trò đạo diễn với “Mai”, tuy nhiên cách xây dựng câu chuyện vẫn có một số điểm chưa hợp lý để làm hài lòng khán giả.
Đạo diễn: Trấn Thành
Diễn viên: Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Trấn Thành, Khả Như, Hồng Đào…
Rating: 6.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Nếu như Bố Già và Nhà Bà Nữ đều là những bộ phim hài khá gò bó, xoay quanh tình cảm gia đình, khoảng cách thế hệ, thì Mai được xem là bước đi thú vị của Trấn Thành trong việc khai thác về chủ đề tâm lý, tình cảm đôi lứa.
Đồng thời với Mai, Trấn Thành cũng đã lắng nghe và thay đổi phong cách làm phim. Không còn nhiều phân cảnh chửi thề, đạo lý, cãi cọ hay nặng tính truyền hình như trước, Mai mang đến cho người xem đầy đủ những cung bậc cảm xúc thông qua câu chuyện tình yêu lãng mạn của hai bạn trẻ.
Với thành công của Bố Già và Nhà Bà Nữ, khán giả tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Mai trong dịp Tết này. Chính vì thế, Trấn Thành đã đổ rất nhiều tâm huyết vào bộ phim. Với sự chấp bút của Bình Bồng Bột, Mai đã tiêu tốn của ekip hàng tháng trời để sản xuất, cùng kinh phí lên đến khoảng 50 tỷ đồng - một con số khá cao trong làng điện ảnh Việt.
Câu chuyện u ám
Mai là câu chuyện kể một cô gái làm nghề massage do Phương Anh Đào thủ vai. Ở độ tuổi 37, trong khi nhiều người đã yên bề gia thất, Mai vẫn phải thui thủi sống một mình trong căn chung cư ọp ẹp, tự mình làm hết mọi thứ, chịu nhiều áp bức từ hàng xóm và không còn cảm hứng với đàn ông.
Cuộc sống của Mai bị đảo lộn khi gặp Dương (Tuấn Trần thủ vai). Sinh ra trong một gia đình giàu có, tuy nhiên với tâm hồn nghệ sĩ và máu ăn chơi, Dương chuyển ra ở riêng để tránh sự bao bọc của mẹ (Hồng Đào thủ vai), dụ dỗ các cô gái và xem họ như “trò tiêu khiển” của mình.
Xuất phát từ lời thách thức của người anh họ, Dương quyết định theo đuổi Mai, song luôn bị khước từ. Trước sự lạnh nhạt của cô, Dương càng tăng thêm khao khát chinh phục cô nàng. Với bản tính kiên trì, đẹp trai không bằng chai mặt, Dương từ từ len lỏi vào trái tim Mai, giúp cô cảm thấy được sự ấm áp, che chở, khiến cô muốn yêu trở lại sau chuỗi ngày dài tổn thương.
Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu không hẳn lúc nào cũng chỉ toàn màu hồng. Đối diện với những khó khăn liên quan đến gia đình, trong khi Dương chưa có nghề nghiệp, định hướng rõ ràng, Mai quyết định chia tay. Tuy nhiên, với tình cảm vô bờ bến dành cho cô, Dương quyết định lăn xả để kiếm sống, bất chấp những khó khăn do mẹ anh gây ra. Để rồi sau đó, Dương lại chiếm lấy trái tim Mai một lần nữa, nhờ sự chân thành, cố gắng của mình.
Cứ tưởng sẽ có kết thúc viên mãn, quá khứ của Mai bất ngờ bị người ba ruột (Trấn Thành thủ vai) đào lên. Khi đó, mối quan hệ của hai người chính thức bị gia đình Dương ngăn cấm. Cuộc tình của đôi bạn trẻ liền tan vỡ. Đoạn kết của phim gây nhiều xúc động cho khán giả khi cả hai có dịp gặp lại nhau sau nhiều năm, tuy nhiên không thể nối lại tình cảm như lúc ban đầu.
Lạm dụng plot twist khiến người xem hụt hẫng
Trong Bố Già và Nhà Bà Nữ, Trấn Thành áp dụng khá nhiều plot twist trong việc xây dựng câu chuyện. Ưu điểm của cách làm này là có thể mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, thậm chí lên xuống liên tục như chơi tàu lượn siêu tốc. Tuy nhiên, ekip cần phải giải quyết câu chuyện một cách rõ ràng để không khiến người xem cảm thấy chưng hửng.
Rút kinh nghiệm từ hai phim trước, ở Mai, Trấn Thành đã xử lý tình huống một cách mượt mà hơn hẳn, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạt sạn. Cụ thể, tạo hình của Bình Minh (Uyển Ân thủ vai) có phần gượng ép, không phù hợp với lứa tuổi 16. Điều này khiến khán giả cảm thấy Mai và Bình Minh trong phim như hai chị em, không phải hai mẹ con.
Việc gia đình Dương nhiệt liệt ngăn cấm sau khi biết được quá khứ của Mai cũng tạo nên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng chi tiết này có phần cực đoan khi đẩy nhân vật chính đến bước đường cùng, tạo nên sự căm phẫn tột độ. Điều này khiến đoạn cuối của phim có phần u ám, không phù hợp với không khí vui vẻ mà ngày Tết đem lại.
Diễn xuất của các nhân vật
Mai được xem là bước tiến lớn trong sự nghiệp diễn xuất của Phương Anh Đào. Nữ diễn viên 31 tuổi thực sự tỏa sáng trong cách khai thác tâm lý nhân vật. Các phân đoạn giằng xé nội tâm, đôi mắt buồn tủi, sự nổi loạn trong suy nghĩ và hành động khiến khán giả cảm thấy cô chính là Mai thật sự.
Trái ngược với Phương Anh Đào, diễn xuất của Tuấn Trần có phần nhàm chán và gồng. Mặc dù tạo hình nhân vật Dương là một nghệ sĩ, trai ăn chơi, con nhà giàu, tuy nhiên cách diễn của anh không toát lên được những điều đó như cách Phương Anh Đào làm với Mai. Có lẽ, Tuấn Trần vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của chính mình trong phim Bố Già, từ cách diễn cho đến thần thái nhân vật.
Thậm chí, chemistry giữa hai nhân vật chính không được thể hiện rõ nét, chưa đủ thuyết phục khán giả. Nhiều người cho rằng vai diễn Dương của Tuấn Trần không có phong thái nam chính trong một bộ phim chính kịch, mà đơn thuần chỉ là cái nền khiến cuộc đời của Mai trở nên bi kịch hơn.
Danh hiệu diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim chắc hẳn sẽ thuộc về diễn viên Hồng Đào. Khả năng thiên biến vạn hóa, lúc thì là một người chị tâm lý của Mai, lúc thì là một người mẹ nghiêm khắc của Dương khiến khán giả hiểu được nỗi lòng của nhân vật khi phải tìm cách dung hòa cả hai bên, đồng thời phải bảo vệ tương lai cho chính đứa con trai của mình. Từng lời thoại, từng hành động tưởng chừng đơn giản nhưng lại được bộc lộ một cách rất tinh tế và nhẹ nhàng, trong nhu có cương, trong cương có nhu, khẳng định tài năng của một diễn viên gạo cội.
Hình ảnh chỉn chu nhưng vẫn còn một số điểm yếu
Không quá lời khi nói Mai là tác phẩm có kỹ thuật tốt nhất mà Trấn Thành từng thực hiện, từ dàn cảnh đến kỹ thuật quay dựng. Với sự hỗ trợ của CJ ENM, đơn vị chuyên sản xuất những bộ phim Hàn Quốc đình đám, những góc máy của bộ phim mang đậm sự ẩn ý, kể chuyện bằng hình ảnh như phân cảnh Mai độc bước trên con đường phân cách sáng tối, cuộc đối thoại giữa Dương và Mai qua hàng rào hay khi cặp đôi chìm vào giấc mộng bay bổng trong tiếng dương cầm…
Tuy nhiên vẫn còn một số hạt sạn như phân cảnh kinh dị xuất hiện khá miễn cưỡng, hay cảnh giả tưởng nhân vật bị đẩy xuống vực. Đồng thời, phân cảnh có hình nhưng không có tiếng cũng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, nhiều khán giả cũng cho rằng Trấn Thành có phần lạm dụng kỹ thuật quay phim khi cắt cảnh và đổi góc liên tục.
Tổng quan, Mai được xem là bước tiến lớn của Trấn Thành trong việc sản xuất phim. Với một đạo diễn tay ngang như anh, việc thiếu sót là không thể tránh khỏi. Lựa chọn diễn viên phù hợp, xây dựng câu chuyện hợp lý, hạn chế nhồi nhét quá nhiều thứ là những việc nam đạo diễn nên lưu ý trong các bộ phim tiếp theo.