Ma trận vay app - Bài 2: Bi kịch của nạn nhân vay tiền nhanh
Nạn nhân vay tiền qua web, app bị khủng bố điện thoại, bôi nhọ danh dự, đe doạ tính mạng dẫn đến khủng hoảng tâm lý, trốn chui trốn nhủi, thay sim đổi số, không dám gặp ai..., có người cầu cứu gia đình, có người bán nhà trả nợ rồi biệt vô âm tín.
Phóng viên nhập vai làm “con nợ” và ngay lập tức bị các app cho vay áp dụng cách thức tương tự khi đến kỳ hạn.
“Mày điếc hả? Đợi tí báo nợ... cả dòng họ”
Mới đây, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người thuộc Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép) để điều tra làm rõ hành vi vu khống. Các đối tượng sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ...
Trong các app mà Ngày Nay thực tế đi vay, “Ví Vay Liền” có cách tính lãi khiến nhiều người không thể ngờ đến. Như đã đề cập, ngày 12/12, chúng tôi đăng ký vay bằng ứng dụng “Ví Vay Liền”. Hoàn tất các thủ tục, tài khoản của chúng tôi hiện lên những lời chào mời có thể được vay lên đến 20.000.000 đồng.
Thực hiện bước tiếp theo, ứng dụng bắt đầu quá trình duyệt khoản vay. Lúc này, hạn mức ứng dụng ước tính cho vay là 4.000.000 đồng. Thế nhưng, sau hơn 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi được duyệt ở mức 1.000.000 đồng. Hồ sơ được phê duyệt là một lẽ, nhưng số tiền nhận được thực tế chỉ 600.000 đồng.
Theo thông tin của ứng dụng, trong khoản thời gian 7 ngày (kể từ ngày 12/12/2022), chúng tôi phải hoàn trả 1.000.000 đồng nếu không muốn phát sinh phí phạt. Nhẩm tính, đến ngày 19/12, số tiền vay sẽ đến kỳ đáo hạn.
Tuy nhiên, lúc 11 giờ 04 phút trưa 18/12, phóng viên nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02899982497 thông báo là khoản vay đã đến kỳ thanh toán. Chúng tôi trả lời sẽ thanh toán theo đúng kỳ hạn, tức ngày 19/12.
Ngày 19/12, khi mở “Ví Vay Liền”, thông tin hiển thị trạng thái “trễ hạn” và tính thêm 80.000 đồng. Cũng trong ngày này, hàng loạt các cuộc điện thoại từ những số máy lạ có đầu số 02X bắt đầu gọi đến liên tục và dồn dập hơn.
Mở đầu một ngày trễ hạn, lúc 9 giờ 42 phút, số điện thoại 02471097960 báo tin khoản vay quá hạn chưa trả. Giọng nam như gào lên trong điện thoại. Do đang đi ngoài đường nên nghe không rõ, phóng viên hỏi lại thì bị người này quát: “Mày điếc hả?”. Sau đó, tắt máy.
Đến 9 giờ 55 phút, một cuộc điện thoại khác từ số 0249995430 đến. Đầu dây là một giọng nữ yêu cầu thanh toán, nếu không sẽ tiếp tục bị phạt lãi và tắt máy. Tiếp sau đó, 2 cuộc gọi nhá máy vào lúc 10 giờ 05 phút và 11 giờ 06 phút lần lượt từ các số điện thoại 02822014922 và 02499988049.
Chưa dừng lại đó, đến 11 giờ 46 phút, số điện thoại 0287300703 gọi đến và cho biết từ ứng dụng King Kong, yêu cầu thanh toán khoản vay. Chưa kịp hỏi thêm, người này đã cắt ngang cuộc gọi.
Ngoài những cuộc gọi hối thúc thanh toán nợ, chúng tôi nhận được nhiều tin nhắn gửi qua Zalo để đòi nợ khoản vay với nội dung tương tự. Đến 13h54, các đối tượng cho vay đã đẩy vấn đề đòi nợ lên cao trào hơn. Tin nhắn từ người lạ có tên “Karen” đã gửi đến với lời lẽ hăm dọa: “Đợi tí nữa báo nợ nhé…, cả dòng họ…”.
Bán nhà trả nợ rồi biệt vô âm tín
Mới đây, chúng tôi nhận được thông tin, anh T.M (30 tuổi, ở TP.HCM) vẫn bình an. Thời gian trước, T.M hẹn gặp chúng tôi tại một quán cà phê ở khu vực Quận 4 kèm theo lời nhắn: “Có một nhân chứng là nạn nhân của cho vay app. Nó bị khủng bố vì trả không nổi nữa, vay 6 triệu, ăn lời 2,1 triệu. Nó là app TQ... núp bóng công ty tài chính... Tui cần giúp đỡ để tụi nó không đi hại người nữa...”.
Địa điểm chúng tôi hẹn gặp nhau không được xác định. T.M hướng dẫn tôi đến tiệm Tous Les Jour Khánh Hội nhưng đừng vào quán mà đứng đợi, T.M sẽ đi bộ ra, bởi công ty gần đó. Khoảng 13 giờ trưa, đúng hẹn, T.M mặc áo khoác, bịt khẩu trang, đội nón vành xuất hiện. Chúng tôi ghé quán cà phê đối diện Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 4, tìm một góc khuất kín đáo để nói chuyện.
Nạn nhân trong vụ việc chính là T.M, vì ngại nên anh nói tránh đi khi trao đổi qua điện thoại. Sự việc phải bắt đầu kể từ lúc T.M và bạn bè hùn vốn để mở một nhà hàng theo dạng Beer Club từ năm 2020. Nhưng ngặt nỗi, dịch bệnh vào thời điểm này bùng phát mạnh, nhà hàng không thể hoạt động, bao nhiêu hàng hoá, rượu bia, nước giải khát nhập về bị tồn kho, chi phí vận hành, nhân công cứ thế đội lên từng ngày dẫn đến thiếu hụt rồi nợ nần, nhà hàng cũng đóng cửa.
Mọi thứ rơi vào túng quẫn, không thể vay mượn ở đâu thêm được nữa, T.M đánh liều lên mạng tìm đến các dịch vụ vay tiền nhanh để trang trải với suy nghĩ chỉ giải quyết trong thời gian ngắn. Ban đầu, T.M chỉ vay một hai app với số tiền từ 2.000.000 – 2.500.000 đồng trong thời gian từ 14 đến 30 ngày. Thế nhưng, cửa hàng đóng cửa, công việc chưa có, thu nhập không còn, T.M hoàn toàn mất khả năng trả nợ khi đến hạn.
“Lúc này, trên các app, các trang web mà tui vay tiền tự động giới thiệu thêm nhiều app khác cũng cho vay với hình thức tương tự. Bí quá, tui đành vay thêm nhiều app khác để lấy tiền trả cho những app ban đầu, nếu không thì tiền lãi và phạt sẽ rất cao. Cứ như thế, từ hai ba app, đến lúc này, tui đã vay khoảng 30 app rồi. Mình vay càng nhiều thì hạn mức cho vay của các app này tăng dần lên và tiền lãi cũng tương tự”, T.H giải thích.
Khi không còn đủ khả năng chi trả, T.M bắt đầu bị chủ nợ nhắn tin, gọi điện khủng bố và bôi nhọ bằng cách ghép hình ảnh đưa lên mạng xã hội. Từ một chủ cửa hàng rơi xuống vực thẳm nợ nần, T.M lâm vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng, không dám ra ngoài, không dám gặp người thân, bạn bè. Anh liên tục đổi số điện thoại, thay đổi công ty, tạo tài khoản mạng xã hội mới để trốn tránh chủ nợ.
Nhưng rồi, cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, chuyện phá sản và nợ nần bị gia đình biết được, khủng hoảng tâm lý cứ thế tăng dần trong T.M. “Mẹ tui vừa đăng bán nhà để lấy tiền trả nợ, mà giờ không thể bán có liền được. Giờ có ai quen mà có thể giúp giùm hoặc cho vay 40.000.000 đồng để dứt đỡ một vài app, không nó tính lãi cao... Tui đang cầu cho bán nhà lẹ để trả dứt nợ, còn tiền mượn bạn bè mấy đứa nữa”, T.H giải bày khó khăn.
Đoạn rồi, T.H gửi cho chúng tôi ảnh chụp màn hình hàng loạt app tín dụng đen mà anh lỡ sa chân vào, gồm những cái tên, như: NowC, Bigvay, Lala Credit, Vay Qua da, Vay Là Có, Tiền Đầy Túi, Vay Tíc Tắc, Mèo Thần Tài, Vay Liền, Vay Tia Chớp, Andvay, Tubevay, TAMO, DoctorDong... Từ 2.000.000 đồng vay ban đầu, đến lúc gặp tôi, số tiền mà T.M nợ các app lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, bi kịch vẫn chưa kết thúc. “Tin buồn là bên nội tui biết rồi. Giờ không biết sao ba tui còn mặt mũi nhìn bên đó nữa”, T.M thông tin rồi tiếp tục thay đổi số điện thoại, khoá tài khoản Facebook. Bẵng đi một thời gian, một tài khoản Facebook lạ bất ngờ nhắn tin “cảm ơn và từ biệt”. Tất cả bạn bè thân thiết của T.M cũng nhận được tin nhắn tương tự. Kể từ đó, T.M biệt tích, không một ai biết T.M đang ở đâu, làm gì cho đến những ngày gần đây.
Không dám đối mặt với hàng xóm láng giếng
Một bi kịch tương tự cũng từng xảy đến với nữ sinh viên một trường Đại học tại TP.HCM vào cuối năm 2021. Vào thời điểm này, trao đổi với chúng tôi tại trường, anh D. (anh của nạn nhân) kể, gia đình có nhiều anh chị em, T. là em út, đang học năm thứ hai. Đầu năm, T. không may đánh mất khoản tiền 10.000.000 đồng gia đình gửi để đóng học phí. Nữ sinh viên lo sợ nên giấu nhẹm đi và tìm đến các app cho vay trên mạng để xoay tiền bù vào.
Đến kỳ hạn trả nợ, T. không có tiền nên tiếp tục vay thêm nhiều app khác nhau, cứ như thế, T. rơi vào cái bẫy lãi suất “cắt cổ” mà không có lối thoát. Sau gần một năm, số tiền đã lên đến gần 300.000.000 đồng. T. liên tục bị các chủ nợ gọi điện khủng bố, đe doạ. Hết đường, nữ sinh mới nói thật với gia đình trong tâm trạng vô cùng hoảng loạn.
Anh D. kể rằng: “Sao khi về nhà, gia đình không trách T. mà chỉ thương em bị dụ dỗ. Gia đình hạn chế để T. sử dụng điện thoại, internet thì tâm lý em ổn định hơn. Tuy nhiên, T. vẫn không muốn tiếp xúc người ngoài vì mặc cảm. Gia đình cũng khủng hoảng khi đối mặt với hàng xóm láng giềng”.
Theo tài liệu mà gia đình cung cấp cho nhà trường, T. đã sập bẫy cho vay hàng chục app, như: Tamo, DoctorDong, Senmo, Ok vay, Tiger, Flasgvay, Maxvay, Vayvay, Hoa Loa Ken, Easy vay, Ví May Mắn, Ví Lâu Dài, GC Credit, Happy Dong, Thuy Tinh... Số tiền vay thấp nhất là 888.000 đồng và cao nhất là hơn 17.000.000 đồng.
Trường cũng ra thông báo để cảnh báo về vụ việc: “Thời gian vừa qua, bạn T... không may đánh mất khoản tiền đóng học phí. Vì đánh mất một số tiền lớn bạn T. rất sợ nên đã không nói với gia đình và đã đi vay "tín dụng đen" qua app cho vay trực tuyến với lãi suất cao.... Học sinh, sinh viên là lứa tuổi còn non nớt, chưa làm ra tiền lại dễ bị dụ dỗ. Các app vay tiền lãi suất cao đã đánh vào tâm lý này, và người chịu hậu quả là các bậc phụ huynh, cha mẹ....”. Sự việc đã được gia đình và nhà trường trình báo cơ quan chức năng.
Dù nạn nhân của các app tín dụng đen bị tra tấn, khủng bố, bôi nhọ, đe doạ dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực nhưng công tác xử lý của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, các app vay tiền kể trên, nhiều app mới xuất hiện, không thông tin, địa chỉ, có thể gọi là app lậu. Nhiều cái tên “nổi tiếng” cho vay nặng lãi khác có địa chỉ rõ ràng, người đại diện cụ thể nhưng hoạt động rất tinh vi. Khi chúng tôi truy lùng, thì tất cả chỉ là công ty ma hoặc chuyển đi nơi khác!
Nhiều trường hợp tự tử vì vay qua app, website
Thời gian qua báo chí và mạng xã hội đã đăng tải nhiều thông tin về nhiều trường hợp tìm đến cái chết sau khi vay tiền qua app, do gia đình phát hiện kịp nên được cứu sống. Nhưng một số nạn nhân không được may mắn đã phải từ giã cõi đời khi còn rất trẻ.
Tháng 3/2020, một cô gái 23 tuổi ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vay tiền qua các app tín dụng đen. Khi mất khả năng trả nợ và liên tục bị các app “khủng bố”, cô gái này đã tìm đến cái chết. Tàn nhẫn hơn, sau khi nạn nhân đã mất, người nhà vẫn bị các app này gọi điện đe đọa đòi tiền.
Dịp Tết 2020, anh K. (27 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ), giảng viên một trường cao đẳng tại Kiên Giang có vay 5.000.000 đồng qua app để chi tiêu. Khi khoản vay quá hạn, app này đã giới thiệu anh K. vay ở một app khác để trả nợ. Cứ như thế, giảng viên này đã phải vay nhiều app với số tiền nợ tăng theo cấp số nhân. Đến tháng 5/2020, chỉ trong vòng 3 tháng, từ số tiền vay 5.000.000 đồng ban đầu, anh K. phải trả khoản nợ đến 200 triệu đồng. Do quá bức bách, nạn nhân đã uống thuốc tự tử.