Luật sư khẳng định: Ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện đúng luật
Luật sư Phạm Thanh Hữu khẳng định việc làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên hoàn toàn đúng luật, những ý kiến cho rằng ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật chỉ là sự hiểu sai quy định pháp luật.
Thời gian qua, có ý kiến cho rằng ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp bão lũ là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp mọi người hiểu rõ về vấn đề này.
Hình ảnh ca sĩ Thuỷ Tiên đến miền Trung trợ giúp cho bà con chịu ảnh hưởng của mưa lũ (Ảnh: FBNV). |
PV: Một số người cho rằng theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ; do đó, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung là vi phạm pháp luật. Quan điểm trên có đúng hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện… đứng ra tổ chức.
Còn việc cá nhân nói chung, ca sĩ Thủy Tiên nói riêng nhận tiền đóng góp tự nguyện từ người khác để làm từ thiện thì không thể sử dụng Nghị định 64/2008/NĐ-CP để điều chỉnh. Do đó, việc căn cứ vào Nghị định 64/2008/NĐ-CP để cho rằng ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật là không đúng, thể hiện sự hiểu sai quy định pháp luật.
PV: Vậy trường hợp ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền đóng góp của người dân để cho đồng bào miền Trung trong thời gian qua sẽ được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Theo tôi trong trường hợp này sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Người dân tự nguyện gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên với mong muốn nhờ ca sĩ Thủy Tiên chuyển số tiền này cho đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn do bão lũ gây ra và ca sĩ Thủy Tiên đã nhận tiền và thực hiện đúng.
Như vậy, có thể thấy người dân tự nguyện gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên là bên tặng cho tài sản, đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền từ ca sĩ Thủy Tiên là bên được cho tài sản, còn ca sĩ Thủy Tiên chỉ là người giữ vai trò trung gian (có thể gọi là người được bên tặng cho tài sản "ủy quyền" làm thay).
Rõ ràng, trong các bước nêu trên, từ việc người dân gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên đến việc Thủy Tiên giao tiền từ thiện tới tay đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn đều là tự nguyện, không có sự lừa dối mà đó là nghĩa cử cao đẹp và hoàn toàn có lợi cho xã hội nên không thể nói ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật.
(Ảnh: FBNV) |
PV: Thưa luật sư, nếu trường hợp một người nào đó nhận tiền từ thiện do nhà hảo tâm quyên góp mà không gửi đến đồng bào miền Trung một cách đúng đắn như ca sĩ Thủy Tiên thì có bị xử phạt gì hay không?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Theo tôi, trong trường hợp này thì người giữ vai trò trung gian đã không hoàn thành đúng việc mà người gửi tiền làm từ thiện đã "ủy quyền" nên người gửi tiền làm từ thiện có quyền đòi lại tiền đã gửi. Trường hợp, ở mức độ nghiêm trọng thì người giữ vai trò trung gian này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư!