Không gian sống tự nhiên giúp giảm nguy cơ đột quỵ như thế nào?
Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người sống trong phạm vi 300 mét quanh không gian xanh có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 16%.
Hầu hết chúng ta dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên để cải thiện tâm trạng, giải tỏa căng thẳng và cảm thấy thư thái hơn.
Nhưng một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng những người sống trong phạm vi 300 mét quanh rừng, trang trại hoặc công viên có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 16%.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế đã thu thập dữ liệu từ hơn 3 triệu người Tây Ban Nha để đo lường mối liên quan giữa chất lượng không khí và đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá dữ liệu ẩn danh từ dịch vụ y tế công cộng Catalonia. Những người dưới 18 tuổi, đã bị đột quỵ bị loại khỏi nghiên cứu, với tập dữ liệu cuối cùng là 3.521.274 người tham gia.
Trong khoảng thời gian hai năm (2016 và 2017), dữ liệu cho thấy 10.865 người trưởng thành bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất. Chúng xảy ra khi một cục máu đông chặn dòng chảy của máu và oxy lên não.
Dữ liệu thu thập được bao gồm địa chỉ nhà và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia sống trong không gian xanh trong vòng 300 mét có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 16% trong vòng hai năm.
Họ cũng phát hiện ra rằng nguy cơ đột quỵ tăng lên đều đặn đối với những người tiếp xúc nhiều hơn với ô nhiễm không khí trong nhà của họ.
Các nhà nghiên cứu của nghiên cứu đã viết: "Không gian xanh mang lại tác động có lợi cho sức khỏe thông qua các cơ chế khác nhau, chẳng hạn như phục hồi tinh thần và giảm căng thẳng, tăng hoạt động thể chất, cải thiện liên hệ/gắn kết xã hội và tiếp xúc với hệ vi sinh vật phong phú".
Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định rằng tiếp cận với không gian xanh có một số lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện sức khỏe hệ thống miễn dịch, sức khỏe tinh thần tốt hơn, ít đau tim hơn, cải thiện giấc ngủ và thậm chí giúp quá trình mang thai tốt hơn.
Những người sống sót sau đột quỵ thường gặp các vấn đề về nói và hiểu, cũng như đọc và viết.
Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng chúng thường có liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác làm thắt chặt và hạn chế lưu lượng máu.
Các yếu tố lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm: hút thuốc, huyết áp cao (tăng huyết áp), béo phì, nồng độ cholesterol cao, bệnh tiểu đường, uống quá nhiều rượu.