Khánh Hòa: Quy hoạch Khánh Sơn theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tại Quyết định số 2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa, vùng huyện Khánh Sơn được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 33.853 ha. Toàn huyện có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: thị trấn Tô Hạp và 07 xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam.
Ranh giới cụ thể có phía Đông giáp TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm; phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh; phía Tây và Nam giáp huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Quy hoạch xây dựng huyện Khánh Sơn trở thành vùng du lịch sinh thái, với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hóa đặc trưng và độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông – lâm nghiệp, trong đó, việc xây dựng thị trấn Tô Hạp trở thành trung tâm dịch vụ lữ hành và lưu trú.
Phát triển đô thị hài hòa, kết hợp giữa các khu vực hiện hữu và các không gian phát triển mới, giữa đô thị và nông thôn. Khai thác và bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, gắn với hệ thống mặt nước.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng. Hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, giảm tỷ lệ giao thông cơ giới trong đô thị, gia tăng hệ thống đường xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng. Kiến tạo các vành đai xanh, áp dụng thiết kế vườn trên mái, hạ tầng xanh, nhằm từng bước trở thành một điểm đến độc đáo của Khánh Hòa.
Vùng huyện Khánh Sơn hướng tới trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng của các không gian sinh thái, văn hóa có giá trị cao, sẽ là trung tâm du lịch vùng núi đặt trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hóa cồng chiêng”...
Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng huyện Khánh Sơn có quy mô dân số khoảng 48.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 21,9%. Đến năm 2050, dân số khoảng 90.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34%. Dự báo đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 1.000-3.000 ha và đến năm 2050 khoảng 5.000-7.000 ha.