VKSND tỉnh Tiền Giang: Kháng nghị phúc thẩm bản án có vi phạm nghiêm trọng về nội dung và hình thức
Theo Viện kiểm sát, bản án dân sự sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung, vì vậy, việc kháng nghị phúc thẩm để xét xử, hủy bản án sơ thẩm là cần thiết.
Hợp đồng giả tạo, dấu hiệu tẩu tán tài sản?
Tại Quyết định số 07/QĐKNPT-VKS-DS ngày 29/06/2021 kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 60/2021/DS-PT ngày 31/5/2021 của TAND TP Mỹ Tho xét xử vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, VKSND tỉnh Tiền Giang nhận định bản án này có những vi phạm nghiêm trọng:
Về nội dung, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 129 Bộ luật Dân sự để công nhận hợp đồng là chưa có căn cứ vững chắc.
Cụ thể, việc giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa bà Trần Thu Trang (bị đơn trong vụ án) và ông Trần Quốc Việt (nguyên đơn) chưa hoàn thành theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013: "Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính". Do đó, bản án sơ thẩm ghi nhận ông Việt giao trả cho bà Trang số tiền 300.000.000 đồng là chưa phù hợp quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Trang là chưa phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Theo các chứng cứ, tài liệu thể hiện trong hồ sơ vụ án thì có căn cứ xác định hợp đồng chuyển nhượng ngày 7/8/2020 giữa ông Việt và bà Trang là giả tạo, cần giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Bởi lẽ, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 7/8/2020 chỉ ghi giá chuyển nhượng là 120.000.000 đồng. Tuy nhiên, các bên xác định giá chuyển nhượng thực tế là 1.520.000.000 đồng. Việc ghi giá chuyển nhượng trên hợp đồng nhằm mục đích trốn thuế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ giá thực tế vào thời điểm chuyển nhượng.
Mặt khác, do bà Trang đang nợ nhiều người, số tiền bán đất cho ông Việt, bà Trang dùng để cấn trừ nợ cho bà Bùi Thị Mến trước đó (việc này bà Mến có thừa nhận). Điều này thể hiện, bà Trang không có ý định dùng tiền bán đất có được để thanh toán nợ cho 8 chủ nợ và bà Mến không phải là đối tượng ưu tiên thanh toán nợ thì việc chuyển nhượng nói trên của bà Trang là nhằm tẩu tán tài sản để né tránh nghĩa vụ trả nợ.
“Nếu công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Việt và bà Trang sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của 8 chủ nợ nói trên. Như vậy, hợp đồng quyền nhượng QSDĐ giữa ông Việt và bà Trang là giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba nên vô hiệu theo quy định tại Điều 122, 124, 407 Bộ luật Dân sự 2015”, Quyết định kháng nghị nêu.
Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát còn cho rằng, Bản án sơ thẩm nhận định và tuyên án không hợp lý.
Cụ thể, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-BPKCTT ngày 21/10/2020 của TAND TP Mỹ Tho về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "kê biên tài sản đang tranh chấp" thì bà Trần Thu Trang được giao quản lý phần đất tranh chấp (thửa 75, tờ bản đồ số 01, có diện tích 1.130,3m2 đất trồng cây lâu năm, tọa lạc tại ấp 5, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Sau đó, do yêu cầu khởi kiện của ông Trần Quốc Việt được chấp nhận nên cần buộc bà Trang giao lại phần đất trên cho ông Việt quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm lại tuyên “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số 13/2020/QĐ-BPKCTT ngày 21/10/2020 của TAND TP Mỹ Tho về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Kê biên tài sản đang tranh chấp", điều này là vô cùng bất hợp lý.
Dấu hiệu bỏ lọt người tham gia tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ
VKSND tỉnh Tiền Giang cho rằng, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31/5/2021, Văn phòng công chứng Cửu Long vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 227 và Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự để hoãn phiên tòa. Đồng thời, tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khi đã đưa Văn phòng công chứng Cửu Long vào tham gia tố tụng.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm không mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, đồng thời tiến hành xét xử vụ án khi Văn phòng công chứng Cửu Long vắng mặt lần thứ nhất là vi phạm các Điều 208, 209, 227, 233 Bộ luật Tố tụng dân sự và án lệ số 12.
Về việc xác định tư cách tham gia tố tụng: Việc các ông, bà: Hồng, Xuân, Lan, Sơn, Đào, Tươi, Tâm, Một, Đạt có đơn đề nghị Toà án cho tham gia tố tụng nhưng không được cấp sơ thẩm chấp nhận là chưa đúng quy định tại Điều 70, 73 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ: Theo VKSND tỉnh Tiền Giang, Toà án cấp sơ thẩm chưa đối chất làm rõ để xác định tính khách quan của việc giải quyết vụ án. Bởi theo biên nhận do ông Việt cung cấp thể hiện ông Việt giao cho bà Trang số tiền 1.220.000.000 đồng có chứng kiến của Phong Thuận. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa lấy lời khai người làm chứng tên Phong Thuận theo yêu cầu của bị đơn là bà Trang, quá trình giải quyết vụ án cũng chưa làm rõ có hay không có việc thỏa thuận giao nhận tiền như các bên đã trình bày. Lẽ ra, Tòa án sơ thẩm cần đối chất làm rõ để xác định tính khách quan của việc giải quyết vụ án… Tòa cũng chưa làm rõ chứng cứ do ông Trần Quốc Việt trình bày có hay không hoặc xác minh việc kê khai của ông Việt tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Từ những nội dung trên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, VKSND tỉnh Tiền Giang thấy cần thiết phải kháng nghị, đề nghị TAND cùng cấp xét xử phúc thẩm, hủy Bản án dân sự sơ thẩm như nêu trên.