Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 17/08/2023 09:15 (GMT+7)

Indonesia sẽ khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á

Theo dõi GĐ&PL trên

Sau nhiều lần trì hoãn, dịch vụ đường sắt cao tốc của Indonesia sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu tháng 10.

tm-img-alt

Tập đoàn liên doanh Indonesia-Trung Quốc Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) ấn định mốc đi vào vận hành hệ thống đường sắt cao tốc vào đầu tháng 10 năm nay. Thay vì ra mắt vào tháng 8 như dự didjnh ban đầu, KCIC sẽ sử dụng thêm thời gian để tiến hành chạy thử nghiệm nhằm đảm bảo an toàn.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết vào tuần trước rằng ông dự kiến sẽ thị sát vào các cuộc chạy thử nghiệm vào tháng 9 năm tại tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung.

"Ngay khi mọi thứ đã sẵn sàng, hệ thống sẽ đi vào hoạt động", ông Widodo nói.

Ngày ra mắt hệ thống đường sắt cao tốc diễn ra vào thời điểm quan trọng trong đời sống chính trị của Indonesia. Với mùa vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới chỉ còn 3 tháng nữa, ông Widodo đang tìm cách "dọn đường" cho ứng viên trong đảng mình.

Tuyến đường sắt cao tốc dài khoảng 140 km nối Jakarta với thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java. Hệ thống tàu cao tốc này sẽ có tốc độ vận hành tối đa khoảng 350 km/h và toàn bộ hành trình sẽ gói gọn chỉ trong 36 phút.

Các cuộc chạy thử nghiệm đã được tiến hành từ tháng 5, với tốc độ tăng đều đặn. Theo báo cáo, đoàn tàu đã di chuyển với tốc độ 385 km/h, vận tốc cao nhất khả thi về mặt kỹ thuật.

Indonesia ban đầu dự định áp dụng công nghệ tàu cao tốc shinkansen của Nhật Bản, nhưng vào năm 2015, chính quyền Tổng thống Widodo vào phút chót đã chuyển sang đề xuất do Trung Quốc đưa ra, được mô tả là không đặt bất kỳ gánh nặng tài chính nào lên ngân sách nhà nước.

Dự án đường sắt cao tốc là một trong những hợp phần nổi bật nhất trong sáng kiến cơ sở hạ tầng xuyên biên giới Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dự án được tiến hành với sự hỗ trợ của Trung Quốc, và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đảm nhận hoạt động thi công.

Kế hoạch ban đầu là mở tuyến Jakarta - Bandung vào năm 2018 sau khi động thổ vào năm 2016. Nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trễ là do vấn đề đền bù và giải phóng mặt bằng, chưa kể tới đại dịch COVID-19.

Tổng chi phí của dự án vượt xa ước tính 5,5 tỷ USD ban đầu và Indonesia cuối cùng phải chi tiền từ kho bạc nhà nước.

Vì nhiều lý do chính trị, ngày ra mắt tàu cao tốc liên tục bị trì hoãn. Thời hạn ban đầu năm 2018 được ấn định trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2019. Ông Widodo khi đó muốn quảng cáo đường sắt cao tốc là một thành tựu nổi bật trong chiến dịch tranh cử của mình.

Sau sự chậm trễ liên quan đến COVID-19, lịch ra mắt một lần nữa được ấn định vào tháng 11 năm ngoái. Ngày này trùng với hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Indonesia. Sự xuất hiện của một tuyến đường sắt cao tốc đang hoạt động sẽ làm tăng thêm uy tín của nước chủ nhà.

Ngay cả bây giờ, một số người nói rằng việc mở tuyến Jakarta - Bandung nên được lùi lại để tiến hành nhiều cuộc chạy thử nghiệm hơn. Nhưng chính phủ của ông Widodo không muốn trì hoãn thêm.

Cuộc đua tổng thống tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 2 và chiến dịch sẽ bắt đầu sau thời hạn nộp đơn vào tháng 11 cho các ứng cử viên. Mặc dù Tổng thống Widodo phải từ chức do giới hạn nhiệm kỳ, nhưng ông muốn để lại một di sản cụ thể cho người kế nhiệm trong chiến dịch tiếp theo.

Vẫn còn những lo ngại về mức độ an toàn của dự án. Vào tháng 12 năm ngoái, hai công nhân đã thiệt mạng khi một đoàn tàu trật bánh.

Theo nguồn tin của hãng thông tấn Reuters, Bộ Giao thông vận tải Indonesia và nhiều công ty tư vấn nhận định rằng việc ra mắt đường sắt cao tốc nên được lùi lại đến tháng 1 năm sau.

Chính phủ Indonesia rất muốn thể hiện sự an toàn của tuyến đường này. Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư, đã dẫn đầu một đoàn thị sát vào tháng 6 vừa qua.

Bộ này sau đó đã công bố một video trên mạng xã hội cho thấy một đồng xu được đặt trên mép bậu cửa sổ khi đoàn tàu đang chuyển động, qua đó khẳng định mức độ an toàn và tiện nghi của hệ thống tàu cao tốc.

Ngoài Indonesia, Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một dự án tương tự nối Singapore và Kuala Lumpur đã được xem xét nhưng không cho thấy tính khả thi. Một dự án khác đang được thực hiện ở Thái Lan, nhưng chi phí khổng lồ đã cản trở tiến độ.

Ấn Độ đang xây dựng tuyến đường dài 508 km nối Mumbai và Ahmedabad bằng công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản. Mặc dù việc xây dựng bắt đầu vào năm 2017, nhưng dự án đã bị trì hoãn một phần do các vấn đề nổi cộm tương tự như những gì Indonesia đã phải đối mặt.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu vực Hà Nội, ngày có mưa vài nơi
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện qua phân tích trên ảnh mây vệ tinh, ảnh rada thời tiết và số liệu định vị sét cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho các quận, huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai.