Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 2306/QĐ-BYT về Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ ở người có thể được chia thành 04 giai đoạn:
(1) Giai đoạn ủ bệnh: Từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 ngày đến 21 ngày). Ở giai đoạn này người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
(2) Giai đoạn khởi phát: Từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, đau họng, ớn lạnh, đau cơ.
Lưu ý: Ở giai đoạn này virus có thể lây sang người khác.
(3) Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày với tính chất:
- Vị trí phát ban: Có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân. Ban cũng có thể có ở miệng, mắt và cơ quan sinh dục.
- Tiến triển ban: tuần tự tiến triển của ban từ dát - sẩn - mụn nước - mụn mủ - đóng vảy khô - bong tróc và có thể để lại sẹo.
- Kích thước tổn thương da: Trung bình từ 0,5 cm - 01cm.
- Số lượng tổn thương da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng lớn.
(4) Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Ngoài ra, về biến chứng, các biến chứng thường gặp của bệnh đậu mùa khỉ như nhiễm trùng máu (có nguy cơ gây tử vong), viêm não, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực. Đối với các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 3%-6% trên số người mắc bệnh, đặc biệt trẻ em mắc bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn.