Hơn 100 hộ dân bị Cty 507 'xù' tiền thuê đất để làm đường cao tốc
Hiện nay, đơn vị thuê đất đã vi phạm hợp đồng, một là trả lại mặt bằng đất cho dân sản xuất, hai là đền bù bằng tiền.
Thời gian gần đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 2 thôn Thạch Bồ và Bồ Bản xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng về việc bị mất đất sản xuất (đất ruộng) sau khi cho Ban quản lý Dự án (BQLDA) đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thuê để mở đường công vụ ngoại tuyến.
Đường công vụ ngoại tuyến phục vụ dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. |
Điều này không chỉ khiến hàng trăm gia đình bị thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, nhất là trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong dân.
Tiếp xúc với phóng viên tại hiện trường là con đường công vụ ngoại tuyến, ông Võ Hòa (1955, trú tổ 4, thôn Thạch Bồ) buồn bã cho biết, tháng 8/2014, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông cho đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xây dựng Công trình Giao thông 507 (Cty 507) thuê 700m2 đất ruộng để mở đường, vận chuyển vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Thời hạn thuê 4 năm, có đơn giá 50.000 đồng/m2 và gia đình nhận tiền 1 lần. Đến nay hợp đồng đã hết hạn hơn 2 năm mà đơn vị thuê vẫn chưa hoàn thổ trả lại mặt bằng đất hiện trạng ban đầu để gia đình sản xuất.
Ông Hóa nhẩm tính, 700m2 đất ruộng của gia đình mỗi năm cấy 2 vụ, chủ yếu giống lúa phục vụ nhu cầu làm bánh tráng tại địa phương. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, 700m2 đất ruộng mang lại cho gia đình khoản thu nhập hơn 10 triệu đồng. Bỗng nhiên mất ruộng trong 2 năm khiến 8 nhân khẩu trong gia đình ông gặp khó khăn.
Trưởng thôn Thạch Bồ xã Hòa Phong, ông Võ Văn Viên cho biết, có hơn 100 hộ dân ở xã Hòa Phòng bị mất đất ruộng sản xuất vì đường công vụ ngoại tuyến này, trong đó hộ ông Hóa là thiệt hại nhiều nhất.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với xã Hòa Phong và huyện Hòa Vang, người dân mong mỏi chính quyền địa phương cần phải sớm làm việc với đơn vị thuê đất để giải quyết cho dân theo hợp đồng đã ký. Hiện nay, đơn vị thuê đất đã vi phạm hợp đồng, một là trả lại mặt bằng đất cho dân sản xuất, hai là đền bù bằng tiền.
Mang những bức xúc của người dân trao đổi với chính quyền địa phương xã Hòa Phong, phóng viên được bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch xã Hòa Phong thông tin chi tiết về vụ việc. Theo bà Vân, ngày 3-6-2004, Cty 507 thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) - BQLDA đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tờ trình về việc thuê đất nông nghiệp để mở đường công vụ thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi gửi UBND xã Hòa Phong xin thuê đất nông nghiệp của nhân dân 2 thôn Thạch Bồ và Bồ Bản để làm đường công vụ.
Ông Võ Hóa chỉ vị trí 700m2 đất ruộng được thuê làm đường công vụ ngoại tuyến. |
Từ cơ sở trên, đại diện Cty 507 là ông Trần Ngọc Thiện - Trưởng BQLDA cùng ông Nguyễn Trung Kiên, cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND xã Hòa Phong tổ chức họp dân 2 thôn Bồ Bản và Thạch Bồ vào ngày 16-10-2014 để vận động nhân dân thống nhất cho thuê đất nông nghiệp làm đường công vụ ngoại tuyến với đơn giá 50.000 đồng/m2/4 năm. Tổng diện tích đất thuê mở đường là 13.672m2 của 119 hộ dân, thời hạn đến tháng 10-2018 chấm dứt hợp đồng.
Tháng 3-2018, trước khi hết hạn hợp đồng, UBND xã Hòa Phong gửi công văn đến Ban điều hành Dự án gói thầu số 1 – Cienco 5 yêu cầu thực hiện tất toán hợp đồng thuê đất của dân theo 2 phương án. Thứ nhất, hoàn thổ, bàn giao mặt bằng cho nhân dân sản xuất, đảm bảo theo hợp đồng. Phương án 2, hỗ trợ kinh phí cho nhân dân theo mức 50% giá đất năm 2008 của UBND TP Đà Nẵng; hỗ trợ kinh phí sửa sang mặt bằng, mương dẫn nước tưới tiêu và hỗ trợ kinh phí thi công đường bê tông để địa phương vận động nhân dân hiến đất làm đường công vụ, để lại mặt bằng làm đường bê tông giao thông dân sinh cho nhân dân đi lại và sản xuất.
Đồng thời, UBND xã Hòa Phong tổ chức họp dân 2 thôn Bồ Bản và Thạch Bồ để thống nhất phương án và mọi người nhất trí để lại mặt bằng làm đường giao thông dân sinh nhưng có hướng hỗ trợ diện tích đất cho nhân dân.
Hợp đồng thuê đất làm đường công vụ thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. |
Ngày 9/10/2008, UBND xã Hòa Phong có tờ trình số 93/UBND-TTr về việc đề nghị hỗ trợ đền bù đường công vụ ngoại tuyến do thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng số tiền là 1.744.005.000 đồng.
Ngày 10/10/2008, Ban điều hành dự án Cienco5 có công văn số 374/BĐH về việc hoàn trả đường công vụ ngoại tuyến dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nội dung công văn thống nhất để lại nguyên trạng đường công vụ, không bốc dỡ hoàn trả lại đất ruộng cho nhân dân như hợp đồng thuê đất ban đầu. Đồng thời hỗ trợ việc nâng cấp mặt bằng để làm đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.
Để có cơ sở thống nhất với Cienco5 về khoản kinh phí hỗ trợ cho nhân dân và mặt bằng để sau này xây dựng tuyến đường giao thông nội đồng, ngày 25/12/2018, UBND xã Hòa Phong lập tờ trình báo cáo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang xin ý kiến chỉ đạo về việc giữ nguyên lại tuyến đường công vụ.
Ngày 22/5/2019, Ban thường vụ Đảng ủy xã Hòa Phong mời lãnh đạo Cienco 5 và Ban điều hành Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đến làm việc. Buổi làm việc đi đến thống nhất giải quyết kinh phí theo công văn 374/BĐH ngày 10/10/2008 của Ban điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. BQLDA cam kết thời hạn giải quyết chi trả chậm nhất đến ngày 30/6/2019 là dứt điểm.
Tuy nhiên, đến nay, dù tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thi công xong nhưng Ban điều hành dự án vẫn không thực hiện cam kết. UBND xã Hòa Phong tiếp tục có công văn số 104/UBND-ĐC ngày 23/7/2019 gửi đến Ban điều hành dự án Cienco5 đề nghị tất toán hợp đồng hoàn thổ mặt đường công vụ, trả lại hiện trạng ban đầu để nhân dân sản xuất, tránh việc kiến nghị kéo dài của nhân dân nhưng không được phản hồi.