Hội thảo Phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng NTM và Đô thị văn minh
Vào ngày 23/4, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức Hội thảo "Phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Ntm và Đô thị văn minh".
Nhằm tăng cường liên kết sản xuất kinh doanh Hoa Cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân trong giai đoạn mới, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), CLB Đổi mới và Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả tổ chức Hội thảo Phát triển Hoa Cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh vào 08 – 12h, Thứ Sáu, ngày 23/04/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội).
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, Hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ Hoa Cây cảnh đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất trên Thế giới. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển Hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp nối những giá trị của phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động những năm 60 của thế kỷ trước, Ngày 03/09/1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển rau, hoa quả giai đoạn (1999 – 2010); Ngày 08/06/2004, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về Phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái (Văn bản số 116/TB – VPCP); Ngày 04/05/2009, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ đạo về phát triển Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao (Văn bản số 485/TB – VPTW); Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP, trong đó chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh trở thành một trong bảy ngành nghề phát triển nông thôn.
Đến nay cả nước có khoảng 35 nghìn ha tập trung chuyên canh hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở cả hai miền (Diện tích trồng hoa cây cảnh phân tán tại các hộ gia đình chưa có thông kê đầy đủ). Trong vòng 10 năm (2005-2015), diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…
Trong đó, Hà Nội có trên 6.000 ha chuyên canh hoa cây cảnh, 10 làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hoa cây cảnh. Hà Nội cùng nhiều địa phương đã xác định một số sản phẩm hoa cây cảnh là sản phẩm chủ lực được khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển. Cụ thể Quyết định số 390/QĐ – UBND ngày 17/01/2019 của UBND thành phố Hà Nội đã xác định 04 loại hoa cây cảnh gồm Hoa lan, Hoa hồng, Hoa lily, cây Hoa đào. Đồng thời, Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận 08 sản phẩm hoa lan là sản phẩm OCOP; Xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch Sinh Vật Cảnh xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; Xây dựng Tuyến phố văn minh thương mại Sinh Vật Cảnh Vạn Phúc, Hà Đông; Khuyến khích nhiều phong trào Sinh Vật Cảnh trong xây dựng Nông thôn mới như: Đường hoa nông thôn, con đường bích họa; phong trào thêm hoa bớt rác…
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh Hoa cây cảnh có những đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD của nhóm ngành Rau Hoa Quả góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống trong lành tạo điểm nhấn trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh…
Tuy nhiên sự phát triển đó, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh còn manh mún, tự phát; Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; Hoạt động liên kết còn lỏng lẻo; Thị trường hoa cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp (nhất là luồng ý kiến trái triều về hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua).
Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh Hoa Cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao góp phần xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.
Với mong muốn giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tấn báo chí và dư luận có thêm những đánh giá khách quan, đa chiều, cũng như khẳng định đúng mức vị trí, vai trò của ngành Hoa cây cảnh trong phát triển kinh tế xã hội, tại Hội thảo Phát triển Hoa Cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, BTC cùng các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ tập trung phân tích làm rõ một số nội dung cơ bản sau:
1. Thú chơi Hoa cây cảnh xưa và nay.
2. Hệ thống các cơ sở chính sách có liên quan phát triển ngành hoa cây cảnh.
3. Vai trò của phát triển hoa cây cảnh trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và tái cấu trúc ngành nông nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
4. Đánh giá thực trạng phát triển Hoa cây cảnh trong những năm vừa qua: Thuận lợi, Khó khăn, Giải pháp, Kiến nghị.
5. Một số tư vấn phản biện chính sách để Hoa cây cảnh thực sự là ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và xây dựng Đô thị sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
6. Tăng cường liên kết "5 Nhà" (Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà đầu tư - Nhà sản xuất - Nhà truyền thông) để nâng cao giá trị giá tăng trong sản xuất hoa cây cảnh phục vụ nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu.
7. Cảnh báo những rủi ro trong đầu tư Hoa cây cảnh, những khuyến nghị đề phòng, nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo phát sinh gây hoang mang dư luận, đồng thời đưa ra biện pháp bảo vệ người sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ hoa cây cảnh chân chính.
8. Giới thiệu một số mô hình tốt, cách làm hay trong phát triển Hoa cây cảnh nói chung, lan đột biến nói riêng ứng dụng công nghệ cao: Vườn treo sân thượng đô thị; Vườn ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi nghề tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn...
9. Đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống hài hoà với thiên nhiên, duy trì sự đa dạng sinh học góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội SX&KD Hoa lan Việt Nam; Ký cam kết đồng hành cùng Chương trình trồng mới 01 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động; Tôn vinh những Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn tiêu biểu có nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng.
Hội thảo còn là hoạt động thiết thực Chào mừng 46 năm Giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021); Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng tới Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021).
MỌI THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ HỘI THẢO XIN LIÊN HỆ VỚI THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC Văn phòng Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam Đ/c Vương Xuân Nguyên - Điện thoại: 08.4646.0404/0327399099 - Email: [email protected] - Website: https://phano.org.vn/ |