Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 08/02/2025 05:49 (GMT+7)

Hé lộ những thông tin bất ngờ liên quan đến vụ lừa đảo 1000 tỷ đồng do Phạm Thị Huyền Trang quản lý

Theo dõi GĐ&PL trên

Qua làm việc với Cơ quan điều tra, Phạm Thị Huyền Trang khai rằng, để lừa đảo trót lọt thì phải nắm bắt được tâm lý, điểm yếu của người dân.

Theo Bộ Công an, lực lượng chức năng đã khởi tố tổng cộng 41 bị can, thu giữ hàng trăm điện thoại, máy tính xách tay cùng nhiều tài liệu, vật chứng trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao.

Bước đầu xác định các đối tượng đã lừa đảo của hơn 13.000 nạn nhân trên cả nước, với số tiền chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Các đối tượng quan trọng trong vụ án này: Đỗ Văn Nghĩa, Phạm Thị Huyền Trang và Nguyễn Văn Mạnh (từ trái sang phải). 
Các đối tượng quan trọng trong vụ án này: Đỗ Văn Nghĩa, Phạm Thị Huyền Trang và Nguyễn Văn Mạnh (từ trái sang phải).

Trong phóng sự mới nhất của VTV, với hình ảnh do lực lượng công an cung cấp đã hé lộ hoạt động của các nhóm lừa đảo tại khu vực biên giới giáp ranh Campuchia. Theo đó, các đối tượng thường nhắm vào chính người dân trong nước mình để thực hiện hành vi lừa đảo.

Mỗi sáng, những đối tượng này dưới danh nghĩa nhân viên công ty sẽ được cấp trên giao danh sách số điện thoại để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trong ngày.

Các đối tượng nắm trong tay thông tin cá nhân cùng những kịch bản được xây dựng sát với tình hình thực tế, từ cập nhật căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, đến khám sức khỏe hay kê khai thuế. Nhờ đó, nhiều nạn nhân dễ dàng mắc bẫy.

Phạm Thị Huyền Trang là quản lý cấp cao trong đường dây lừa đảo này.
Phạm Thị Huyền Trang là quản lý cấp cao trong đường dây lừa đảo này.

Đáng chú ý, Phạm Thị Huyền Trang (SN 1999, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) được xác định là một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo này. Trang là quản lý cấp cao và phiên dịch phụ trách lên hàng loạt các kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các đối tượng cấp dưới. Hằng tháng, Huyền Trang được nhận mức lương đến 200 triệu đồng/ tháng.

Làm việc với Cơ quan điều tra, Huyền Trang khai công ty một bộ phận gom các dữ liệu của người dân. Có rất nhiều trường hợp lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên mạng và ứng dụng mạng xã hội, 3 thông tin cơ bản là tên, số điện thoại và địa chỉ.

Ngoài ra, tại Campuchia còn có nhiều công ty khác chuyên mua bán, cung cấp các dữ liệu cá nhân này cho các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia.

"Dữ liệu của phụ huynh học sinh có thêm thông tin con, bố mẹ, địa chỉ thường trú, tạm trú. Mình phải nắm bắt được tâm lý, điểm yếu của khách hàng, mới có thể thành công được", VTV dẫn lời đối tượng Phạm Thị Huyền Trang.

Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng trong đường dây lừa đảo.
Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng trong đường dây lừa đảo.

Như tin đã đưa, Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an 11 địa phương triệt phá thành công nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 người dân trên cả nước.

Cơ quan Công an đã bắt giữ gần 60 đối tượng và làm rõ từ tháng 5/2024 đến nay các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước.

Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử (thuộc thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia) với thủ đoạn giả danh Công an cấp phường, Công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế,…sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản Ngân hàng của bị hại.

Các đối tượng quản lý chia làm 3 nhóm gồm: Cào 1, Cào 2, Cào 3 và phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có 5 đối tượng chính gồm: Nguyễn Văn Mạnh (36 tuổi, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh): Đỗ Văn Nghĩa (25 tuổi, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); Đinh Như Quỳnh (23 tuổi, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Đức Toàn (32 tuổi ở quận An Dương, TP Hải Phòng) và Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).

Lực lượng chức năng đã khởi tố 41 bị can trong đường dây lừa đảo xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao từ khu Tam Thái Tử (Campuchia). Trong đó, bị can Phạm Thị Huyền Trang được xác định là quản lý cao cấp, chuyên xây dựng các "kịch bản" lừa đảo.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.

Cơ quan Công an đề nghị những ai là bị hại từ những thủ đoạn trên thì liên hệ ngay Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh qua số điện thoại: 0948.280.891 hoặc địa chỉ số 88 Ngô Gia Tự, phường suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, để phối hợp điều tra, giải quyết; đồng thời yêu cầu các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Cùng chuyên mục

Bộ Công an nêu các mức xử phạt đối với hành vi che biển số xe
Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Theo đó, một trong những điểm mới đáng quan tâm của Nghị định này là mức phạt đối với hành vi che biển số khi điều khiển xe ô tô và xe máy.

Tin mới

Chi trả lương hưu qua chuyển khoản tại nhiều địa phương đạt trên 90%
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm, nhất là lương hưu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng) nhằm tối ưu hóa quy trình chi trả, đảm bảo tính minh bạch và tiện lợi cho người thụ hưởng.
Bỉ ứng phó với "đại dịch cúm tồi tệ nhất"
Số ca mắc bệnh cúm gia tăng đang khiến hệ thống y tế Bỉ rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám vì các triệu chứng giống cúm trong tuần này đã tăng gấp đôi so với đỉnh điểm của mùa cúm trước. Các chuyên gia y tế gọi đây là "đại dịch cúm tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19".
Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần chấm dứt tình trạng dạy thêm
Theo các chuyên gia, việc dạy thêm có thể mang lại các lợi ích nhất định cho học sinh nếu được thực hiện đúng cách và dưới sự quản lý chặt chẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng đến việc định rõ và quy định rõ ràng về hoạt động dạy thêm, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy thêm và đảm bảo rằng nó mang lại giá trị thực sự cho sự phát triển học tập của học sinh.