"Hạt sạn" Kovir của Sao Thái Dương khiến Bộ Y tế phải thu hồi công văn?
Sáng 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký thông báo rút công văn 5944 (cũng do ông Sơn ký ngày 24/7) do "có một số nội dung không phù hợp".
Như Ngày Nay đã phản ánh, việc Bộ Y tế có Công văn số 5944 hướng dẫn về việc sử dụng thuốc y học cổ truyền trong việc điều trị COVID-19 đang gây ra những ý kiến trái chiều. Thậm chí, trong danh mục 12 loại thuốc, thực phẩm chức năng được đưa khuyến cáo sử dụng có loại còn được đưa vào công văn khi chưa được cấp phép. Cụ thể là sản phẩm Kovir của Công ty Sao Thái Dương.
Quy định hiện hành của Bộ Y tế là không được kê toa thực phẩm chức năng, tuy nhiên phụ lục công văn 5944 của Bộ Y tế lại có mặt sản phẩm thực phẩm chức năng.
Đáng chú ý trong số này có sản phẩm nhãn hiệu Kovir của Công ty Sao Thái Dương có mặt trong danh mục ở nhóm sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19.
Được biết, ở thời điểm hiện tại, Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế xác nhận sản phẩm Kovir đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 về tác dụng hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19, nhưng không hiểu sao Kovir lại kịp có mặt trong phụ lục công văn của Bộ Y tế.
Khi mà việc thử nghiệm chưa xong thì, 5 ngày trước khi công văn 5944 được ký, giá của sản phẩm đã được công bố là 1 triệu đồng/hộp (từ 19/7).
Trước công văn 5944, Cục Quản lý y dược học cổ truyền, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở y tế hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19.
Trong công văn cũng hướng dẫn sử dụng sản phẩm này cả dạng viên nang cứng và viên nang mềm. Tuy nhiên hướng dẫn của Cục Quản lý y dược học cổ truyền gửi ngày 24/6, ngày 25/6 Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế mới cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm viên nang cứng. Điều đó có nghĩa Cục Quản lý y dược học cổ truyền hướng dẫn các địa phương sử dụng sản phẩm từ khi sản phẩm chưa được phép lưu hành.
Cũng liên quan đến vấn đề nêu trên, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế - cho rằng: "Đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua".
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cho biết, việc có các sản phẩm đưa vào danh mục hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế là do "ở trên" họ đánh giá.
"Tôi không quan tâm tới danh mục ấy, bên trên đánh giá tôi nghĩ là đúng. Chi tiết tôi không nhận xét vì còn nhiều sản phẩm của doanh nghiệp khác. Việc đưa các sản phẩm Đông y vào điều trị Covid -19 là đúng. Có thể họ nắm bắt được thông tin sản phẩm của mình họ đưa vào.
Vì sản phẩm của tôi là được đưa vào một số nơi như Hà Nam, Lạng Sơn khi phát cho người bệnh sử dụng họ đánh giá lại. Chắc có thể thấy sản phẩm của tôi có hiệu quả họ đưa vào danh mục", ông Thắng nói. Ông Thắng cũng cho rằng, biết đâu những sản phẩm từ thảo dược này có thể còn hiệu quả hơn cả Tây y!? "Qua quan sát người thân của những nhân viên công ty bị Covid -19, tôi phát thuốc cho họ dùng và thấy hiệu quả, tỉ lệ âm tính rất nhanh" - ông Thắng nói trên báo chí.
Việc Bộ Y tế ban hành một danh mục sản phẩm có tác dụng phòng bệnh, hỗ trợ điều trị, sát khuẩn, nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 trong lúc dịch đang nóng, nhiều F0, F1 cách ly tại nhà, nhiều người có nhu cầu phòng bệnh có thể tạo nên nhu cầu mua, tích trữ các thuốc trong danh mục mà Bộ Y tế đã "hướng dẫn".
Xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều câu hỏi, như vì sao các sản phẩm cụ thể này lại được đưa vào danh mục như hình thức chỉ định thầu, mà không phải là hướng dẫn chung về chủng loại sản phẩm có thể sử dụng?
Vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại nhiều lần có văn bản hướng dẫn địa phương về các tên sản phẩm cụ thể, trong khi có sản phẩm được hướng dẫn chưa đủ điều kiện lưu hành (chưa có giấy phép)?