Hành vi báo cháy giả bị xử lý thế nào?
Theo quy định hiện nay, người có hành vi báo cháy giả thì sẽ bị xử lý thế nào?
Ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, Điều 42, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã nêu rõ về vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không có phương tiện, thiết bị phát hiệu lệnh hoặc thông tin báo cháy theo quy định của pháp luật;
- Không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy bị hỏng hoặc mất tác dụng.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn;
- Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.
Cũng theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định, mức phạt tiền quy định tại Chương II, Nghị định 144/2021/NĐ-CP này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
Theo đó, người báo cháy giả có thể bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm theo các quy định được trích dẫn ở trên.