Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 26/01/2024 05:30 (GMT+7)

Hà Nội: Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp 'xanh' để hút đầu tư

Theo dõi GĐ&PL trên

Với lợi thế về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những Thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là trên 1.680 ha, thu hút được khoảng trên 3.860 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những Thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế bảo đảm cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện.

Để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững, thời gian qua UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh phát triển xanh, sản xuất sạch trong đó, hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp xanh là một trong những giải pháp quan trọng của Hà Nội.

Hà Nội được biết đến là trung tâm văn hóa chính trị xã hội của cả nước, là trung tâm giao lưu kinh tế, nơi tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế nước ta. Định hướng tăng trưởng xanh, công nghiệp sạch đã được Sở Công Thương triển khai trong nhiều năm qua thông qua các chương trình như: Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030. Với định hướng trên, Hà Nội đã dần thu hút nhiều dự án mới phát triển theo hướng xanh, sạch.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được Thành phố xác định là khâu đột phá, trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5-9,0% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh.

"Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Yên Bái: 1 người bị sét đánh tử vong
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, người tử vong do sét đánh là ông Mè Văn Th. (sinh năm 1979, ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn).