Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 27/11/2020 10:13 (GMT+7)

Hà Nội: Gia đình đau xót lên tiếng vụ bé trai 15 tháng sùi bọt mép, tử vong trên tay mẹ sau mũi tiêm

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo lời gia đình bé trai 15 tháng, sau mũi tiêm không thuộc phác đồ điều trị, khi điều dưỡng rút mũi kim, máu chảy ngược ra theo kim tiêm, bệnh nhi sùi bọt mép và tím tái toàn thân ngay trên tay mẹ.

Bệnh nhi C.H.K.A., 15 tháng tuổi, ở thôn Bách Kim, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội nhập viện hồi 8h sáng 21/11 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất.

Chị Vương Thị Hương, 22 tuổi, mẹ cháu A. khẳng định, một ngày trước khi nhập viện, cháu chỉ ho, không sốt, không có biểu hiện gì bất thường, vẫn ăn uống như mọi ngày và chơi tốt. Điều này hoàn toàn khác với nội dung trong thông cáo báo chí của bệnh viện, rằng "cháu ho, sốt trước đó tại nhà 3 ngày".

Sau khi chụp chiếu và thử máu, bác sĩ nhận định ban đầu cháu A. bị viêm phế quản, gia đình đã làm thủ tục nhập viện. Mỗi ngày, tại bệnh viện, cháu được tiêm 2 mũi, sáng và tối.

Hà Nội: Gia đình đau xót lên tiếng vụ bé trai 15 tháng tuổi sùi bọt mép trên tay mẹ rồi tử vong sau mũi tiêm - Ảnh 1.

Cháu C.H.K.A., 15 tháng tuổi, tử vong bất thường sau mũi tiêm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Ảnh: Gia đình cung cấp).

11h30 đêm 21/11, cháu ho nhiều, không dứt. Đến rạng sáng 22/11, bác sĩ cho bệnh nhi thở khí dung, cháu quấy và liên tục đổ mồ hôi, được mẹ thay quần áo. Chị Hương sau đó bế con ra ngoài chơi, nhưng cháu vẫn tiếp tục khóc. Chị vội tìm bác sĩ, được nhận định cháu "không sao".

8h sáng 22/11, cháu A. được tiêm mũi hàng ngày. Đây là mũi tiêm thứ 2 kể từ khi cháu nhập viện. Sau tiêm, cháu bình thường.

Đến 3h chiều cùng ngày, bệnh nhi ho nhiều hơn, chị Hương lại bế con xuống bác sĩ thăm khám. Theo lời gia đình, lúc này, một nữ bác sĩ khoa Y học cổ truyền đã chỉ định 1 mũi tiêm pha sẵn, không thuộc mũi tiêm hàng ngày.

"Trong khi tiêm, điều dưỡng không hề thử phản ứng trước, mà cứ thế tiêm cho con tôi. Tiêm xong, bác sĩ và điều dưỡng đều đi ra ngoài", anh Cấn Hữu Nam, 26 tuổi, bố cháu A. nói.

Rút mũi kim, máu chảy ngược ra theo kim tiêm, bệnh nhi sùi bọt mép và tím tái toàn thân ngay trên tay mẹ. Hoảng loạn, anh Nam chạy đi gọi bác sĩ, điều dưỡng, nhưng chạy khắp các phòng không thấy ai. Mãi sau, anh tìm được một bác sĩ trực, rồi tiến hành cấp cứu cho cháu.

Tuy nhiên, theo người nhà bệnh nhi, lúc cấp cứu, bình oxy của bệnh viện không còn, ống dẫn khí liên tục bị rơi ra. Một bác sĩ đã bảo nhân viên ra ngoài cổng bệnh viện mang bình oxy mới vào.

Đến 17h, đại diện bệnh viện thông báo với gia đình cháu A. đã mất, không nói rõ nguyên nhân tử vong. "Chúng tôi chia buồn cùng gia đình và sẽ có trách nhiệm với cái chết của cháu bé. Đây là rủi ro trong y tế, không may xảy đến với cháu bé". Bệnh viện đã mời công an huyện Thạch Thất và chính quyền địa phương tới cùng làm việc.

Trong khi đó, thông cáo báo chí của bệnh viện lại nêu, "Trong quá trình điều trị hơn 15 giờ tại khoa Nhi, bệnh nhi có biểu hiện khó thở, tăng tiết đờm dãi và được các bác sĩ kịp thời cấp cứu hút đờm dãi, thở ô xy, đặt nội khí quản, bóp bóng".

Hà Nội: Gia đình đau xót lên tiếng vụ bé trai 15 tháng tuổi sùi bọt mép trên tay mẹ rồi tử vong sau mũi tiêm - Ảnh 2.

5 ngày qua, người thân và hàng xóm liên tục tới hỏi thăm và động viên gia đình anh Nam chị Hương.

Chị Hương và anh Nam đều là công nhân, làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn. Cháu A. là con đầu lòng của anh chị. "Chúng tôi nuôi cháu biết bao công sức, tiêm phòng đầy đủ. Cháu rất khỏe mạnh, tinh nghịch và ít ốm. Cháu chỉ bị ho, bố mẹ lo lắng đã đưa cháu vào khám và điều trị tại bệnh viện thì xảy ra như vậy. Tôi khẳng định cháu mất do mũi tiêm bất thường, chứ không phải bệnh tật gì", ông nội cháu A. khẳng định.

Sang ngày 24/11, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất có đến thăm hỏi, động viên và chia buồn cùng gia đình. Tuy nhiên, theo lời người nhà cháu A., họ không nhận được "một lời xin lỗi chính thức nào" từ phía bệnh viện.

Ông Cấn Hữu Tăng, 50 tuổi, bác ruột của anh Nam, thay mặt gia đình, mong muốn lấy lại công bằng cho cháu A. và bệnh viện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đồng thời, bệnh viện phải công bố nguyên nhân tử vong và xử phạt nhân viên y tế nếu phát hiện sai sót.

Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất tối 26/11 một lần nữa cho biết, đây là sự việc không ai mong muốn, phía bệnh viện cũng đã cố gắng hết sức để cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhi, tuy nhiên do diễn biến quá nặng nên cháu bé đã không qua khỏi.

Về nguyên nhân tử vong, lãnh đạo bệnh viện nói rằng vẫn đang đợi kết quả khám nghiệm tử thi và pháp y. Theo quy định mất khoảng 28-30 ngày mới có kết luận chính thức.

Trước đó, sau khi bệnh nhi tử vong, bệnh viện đã lập hội đồng chuyên môn,mời bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương làm tham vấn, thống nhất chẩn đoán: Tử vong do suy hô hấp cấp không hồi phục/bệnh nhân viêm tiểu phế quản, có bội nhiễm/cấp cứu không kết quả.

Bệnh viện đã đình chỉ kíp trực ngày 22/11 để báo cáo về sự việc, phối hợp cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Đối với việc gia đình thắc mắc về việc bác sĩ chỉ định tiêm không thuộc chuyên khoa Nhi, mà đến từ khoa Y học cổ truyền, đại diện bệnh viện cho rằng "trong kíp trực thì nhiều bác sĩ có thể khám và do trưởng kíp trực phân công".

"Diễn biến bệnh nhi rất nhanh, chúng tôi đã cố gắng cấp cứu nhưng không có kết quả. Thậm chí đã huy động dùng mọi vật tư, thiết bị tốt nhất hiện có tại bệnh viện để cứu cháu bé nhưng vẫn không có kết quả. Với trường hợp đã sử dụng các thuốc chống viêm, trợ tim nhưng tim không đập lại", lãnh đạo bệnh viện nói.

Cùng chuyên mục

Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.