“Giải thưởng VinFuture kết nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam với thế giới”
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - khẳng định, một trong những lợi ích lớn nhất mà Giải thưởng VinFuture mang lại cho cộng đồng là kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới với các nhà khoa học trẻ trong nước.
Truyền cảm hứng cho nhà khoa học Việt Nam
“Những sáng tạo đột phá thiết lập sự bền vững trong phát triển công nghệ xanh” là sự kiện diễn ra sáng 20/12 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi Chuỗi đối thoại “Khám phá tương lai VinFuture” lần đầu tiên được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam.
Hai diễn giả tại sự kiện là hai nhà khoa học hàng đầu thế giới về vật liệu: GS. Stanley Whittingham - Giáo sư Hóa học xuất sắc và Giám đốc Trung tâm lưu trữ năng lượng hóa học NorthEast (NECCES) tại Đại học Binghamton thuộc Đại học Bang New York, Hoa Kỳ, chủ nhận Giải Nobel Hoá học 2019 - và GS. Martin Adrew Green - Giáo sư Khoa học và Giám đốc Trung tâm Quang điện tiên tiến Australia tại Đại học New South Wales, chủ nhân Giải Công nghệ Thiên niên kỷ 2022 và Giải Nữ hoàng Elizabeth về Kỹ thuật 2023.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 20 nhà khoa học trẻ của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học vật liệu cùng hàng trăm sinh viên các trường đại học tại Hà Nội.
Hai giáo sư đã trình bày hai bài giảng hấp dẫn trong thời lượng hai giờ đồng hồ về Cơ hội và thách thức trong tương lai của pin Lithium-Ion, sự phát triển của lĩnh vực năng lượng mặt trời quang điện.
Sau bài giảng, rất nhiều câu hỏi từ các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam về định hướng nghiên cứu vật liệu mới, hướng đi của tương lai trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng được hai giáo sư giải đáp, phân tích và đưa ra gợi ý thiết thực.
Tham gia buổi trao đổi học thuật này, Tô Thị Nguyệt, Thạc sĩ ngành vật liệụ điện tử và công nghệ Nano, cho biết bài giảng của hai giáo sư giúp chị tìm ra một hướng nghiên cứu mới.
“Lĩnh vực nghiên cứu của tôi là vật liệu điện tử, trong đó tập trung vào cảm biến khí. Tôi dự định sẽ ra nước ngoài học tiến sĩ về chuyển đổi năng lượng. Được nghe chia sẻ của hai giáo sư, tôi như nhìn rõ hơn con đường đi của mình và có thêm động lực mạnh mẽ theo đuổi đam mê khoa học”, chị Tô Thị Nguyệt chia sẻ.
Nguyễn Thị Xuân Quỳnh - Học viên cao học ngành kỹ thuật hoá học, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng chia sẻ về cảm giác được tiếp thêm động lực và tình yêu với nghiên cứu khoa học.
“Hai bài giảng của hai vị giáo sư là lĩnh vực chính mà tôi đang theo đuổi. Bình thường tôi chỉ tiếp cận các thông tin về công trình khoa học, bài báo khoa học của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Nay được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe bài giảng và chia sẻ của các thầy, được biết về các xu thế nghiên cứu của thế giới, tôi cảm thấy rất hứng khởi, tự tin để đi đến cùng với nghiên cứu ngành điện hoá, tìm hiểu năng lượng bền vững trong tương lai”, Xuân Quỳnh nói.
Hiện Xuân Quỳnh đang nghiên cứu cảm biến điện hoá để phát hiện dư lượng kháng sinh trong sản phẩm nông nghiệp. Sắp tới, Quỳnh dự định tiếp cận với công nghệ liên quan tới nguồn điện và năng lượng bền vững và tìm học bổng tiến sĩ tại các quốc gia châu Âu.
Hai ý nghĩa cộng đồng của Giải thưởng VinFuture
Chia sẻ bên lề sự kiện, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết buổi nói chuyện của GS. Stanley Whittingham và GS. Martin Andrew Green có hai ý nghĩa quan trọng với nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Sự kiện là cơ hội kết nối, trao đổi chuyên môn học thuật, định hướng nghiên cứu mới giữa các nhà khoa học tên tuổi tầm vóc thế giới với các nhà khoa học của Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như các nhà khoa học trẻ khác, giúp hình thành một cộng đồng khoa học rộng lớn.
Đồng thời, sự kiện cũng là một hoạt động truyền cảm hứng mạnh mẽ về nghiên cứu khoa học cho các sinh viên. “Khi gặp những con người khoa học có tầm vóc lớn, các em sẽ được tạọ cảm hứng, tạo sự tự tin rằng mình có thể làm được. Lòng tin của các em vào khoa học sẽ giúp các em kiên định với con đường nghiên cứu, từ đó sẽ có rất nhiều điều tốt đẹp cho riêng bản thân các em và cho nền khoa học nước nhà”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, với giới nghiên cứu khoa học, cơ hội gặp gỡ các giáo sư đầu ngành không dễ dàng. Một buổi trao đổi, thảo luận với các những tên tuổi lớn đôi khi chỉ cần 1 gợi ý nhỏ cũng có thể giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu trong một vài năm.
“Do đó, lợi ích rất lớn mà Giải thưởng VinFuture mang lại cho cộng đồng chính là việc kết nối giới khoa học gia hàng đầu thế giới với các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở cả hai diện chuyên sâu và đại chúng”, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định.
Chia sẻ cảm nhận sau bài giảng và giao lưu với sinh viên Việt Nam, Chủ nhân Giải Nobel Hoá học 2019 - GS. Stanley Whittingham - nói: “Tôi rất ấn tượng với sự quan tâm của các sinh viên Việt Nam dành cho ngành năng lượng cũng như đam mê nghiên cứu khoa học của các em. Tôi mong các em giữ được sự hứng thú với những gì mình đang làm, được nhìn thấy các em phát triển hơn nữa trong tương lai”.
Cùng với chương trình tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Chuỗi đối thoại “Khám phá tương lai VinFuture” còn gồm chuỗi sự kiện tại nhiều trường đại học. Những vấn đề nóng với phần trình bày của những giáo sư hàng đầu thế giới đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học và hàng nghìn sinh viên các ngành.
Tại Trường Đại học Y Hà Nội, GS. Salim Abdool Karim, đồng Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture năm 2021, với những kinh nghiệm thực tiễn tại các nước châu Phi đã có bài trình bày đáng chú ý về “Xây dựng năng lực nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề y tế toàn cầu”.
Hay, tại Trường Đại học Thủy Lợi, GS. Susan Solomon – nhà khoa học nổi tiếng đã tìm ra cơ chế gây ra “lỗ hổng” tầng ozon, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều sinh viên trẻ với những câu chuyện thực tế của chính bà và đồng nghiệp. Ngoài ra còn là nhiều vấn đề nóng đã được bàn luận như Sự chuyển đổi của ngành nông nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng “0”, Khám phá Khoa học Vật liệu…
Với những ý nghĩa thực tiễn to lớn, chuỗi sự kiện được nhiều nhà khoa học đánh giá là ý tưởng tuyệt vời để tạo động lực cho những người trẻ đã và đang bước lên hành trình nghiên cứu khoa học.
Năm nay, Giải thưởng VinFuture thu hút 1389 đề cử, tăng gấp 3 lần so với năm đầu tiên (599 đề cử của mùa 1 và 970 đề cử của mùa 2), cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho Giải thưởng này.
Lễ trao giải VinFuture 2023 – tâm điểm được mong chờ nhất của cộng đồng khoa học toàn cầu – sẽ diễn ra tối 20/12/2023 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Đây là thời khắc vinh danh những nhà phát minh của những công trình đột phá, “chung sức toàn cầu” góp phần kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.