Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 17/07/2021 20:25 (GMT+7)

Gia Lai: Ai chịu trách nhiệm về việc mất hơn 3.000 ha rừng?

Theo dõi GĐ&PL trên

Thời gian qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng một loạt bài về việc để mất hàng ngàn ha rừng ở tỉnh Gia Lai, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm!

Điều không thể tin nổi!

Thực hiện quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/7/1998 về việc trồng 5 triệu ha rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, nhiều tỉnh/thành đã có phương án trồng rừng nhằm bù đắp cho số rừng đã bị khai thác vô tội vạ trước đây cũng như tăng diện tích cây xanh ở các vùng đồi, làm vành đai bảo vệ cư dân khỏi các thảm họa thiên nhiên. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, rất nhiều tỉnh/thành, rừng không những không tăng mà còn suy kiệt đến mức đáng sợ. Điều này không chỉ làm hao hụt ngân sách (vốn đã khá ít ỏi) vào việc trồng rừng, chăm sóc, dịch vụ môi trường rừng… mà còn thất thoát lượng lớn tài nguyên. Gia Lai là một tỉnh điển hình của Tây Nguyên trong việc để mất rừng như thế!

Như chúng tôi đã phân tích trong các số báo ra ngày 05/5/2021 và 16/5/2021, việc Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai căn cứ vào tờ trình số 170/TT-DA của Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư ngày 19/4/2001 để ban hành quyết định số 740/QĐ-CT ngày 23/5/2001 phê duyệt Dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa (Dự án 661) là một sai lầm nghiêm trọng vì dự án được giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai - một đơn vị không hề có chuyên môn về lâm nghiệp mà lại đi quản lý cả chục ngàn ha diện tích tự nhiên, hơn một nửa là đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có rừng tự nhiên; rừng trồng; rừng khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh… Sau 20 năm quản lý, chăm sóc, bảo vệ (2001 - 2021) đơn vị này đã làm mất tổng cộng hơn 3.000 ha rừng, một con số không thể tin nổi!

tm-img-alt
Rừng tự nhiên thuộc dự án 661 bị khai thác trái phép 1.

Những con số biết nói…

Theo quyết định 740 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thì Dự án 661 chỉ thực hiện trong vòng 10 năm, lẽ ra đến năm 2010 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai phải bàn giao lại cho UBND tỉnh nhưng không biết vì lý do gì dự án lại được cấp thêm kinh phí để tiếp tục thêm 9 năm nữa (2019). Mãi đến ngày 22/1/2021 UBND tỉnh Gia Lai mới ra quyết định thu hồi dự án và bàn giao lại cho các Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc bàn giao này khá mất thời gian bởi khi kiểm tra thực tế thì diện tích rừng mất quá lớn nên các BQLRPH không nhận.

Cụ thể là, theo quyết định 740, Dự án 661 được giao quản lý 3.383,90 hadiện tích rừng tự nhiên nhưng khi bàn giao cho các BQLRPH chỉ còn 1.513,03 ha, mất 1.870,87 ha. Rừng trồng được giao trong quyết định (có sẵn) là 210 ha, ngày 07/12/2017 thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng thì Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết 100, xác định, Dự án 661 còn 523,42 ha rừng trồng – nghĩa là trong 17 năm dự án 661 trồng thêm được 313,42 ha. Tuy nhiên, khi bàn giao về cho các BQLRPH thì diện tích rừng trồng chỉ còn 175, 91 ha. Dự án 661 đã làm mất thêm 347,51 ha rừng trồng!

Ngoài ra, cũng theo quyết định 740/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thì Dự án 661 được giao 1.027 ha rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và 201 ha rừng khoanh nuôichăm sóc, tổng cộng là 1.228 ha. Theo báo cáo giải trình số 963/BC-BCH ngày 17/02/2020 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai thì từ năm 2001 đến năm 2019 đã có 200 ha rừng được xúc tiến tái sinh và 601 ha rừng khoanh nuôi chăm sóc, tổng cộng là 801 ha. Vậy thì còn 427 ha rừng xúc tiến tái sinh và khoanh nuôi chăm sóc đã đi đâu? Có phải là Dự án 661 đã làm mất nhưng không báo cáo?

Rừng tự nhiên thuộc dự án 661 bị khai thác trái phép 1.

Điều lạ là, khi thu hồi và bàn giao về các BQLRPH, trong quyết định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ngày 22/01/2021 không hề nhắc đến diện tích rừng này. Nếu Ban quản lý Dự án 661 có báo cáo về 801 ha rừng này nhưng UBND tỉnh Gia Lai không giao cho các BQLRPH thì trách nhiệm này thuộc về UBND tỉnh Gia Lai vì hiện tại Ban quản lý Dự án 661 đã giải thể. Mặt khác, nếu 801 ha này đã trở thành rừng tự nhiên thì phải cộng vào con số rừng tự nhiên mà Dự án 661 đã làm mất, nghĩa là không phải con số 1.870,87 ha rừng tự nhiên đã mất như chúng tôi tính toán ban đầu mà phải là con số 2.671,87 ha, đó là chưa kể 427 ha không có trong báo cáo của dự án 661. Vậy thì, với hơn 3.000 ha rừng đã mất này (bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, rừng khoanh nuôi chăm sóc) hậu quả là không thể đo đếm được.

Đồng thời với thiệt hại này là số tiền ngân sách không nhỏ mà tỉnh Gia Lai đã chi ra để thực hiện việc trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng…Đúng là một dự án làm nghèo đất nước!

…Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi tìm hiểu, phân tích và đăng tải nội dung trong 02 bài báo ngày 05/5/2021, ngày 11/5/2021 chúng tôi có liên hệ với lãnh đạo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai để đăng ký làm việc. Tuy nhiên, Chính ủy của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh – đại tá Lê Tuấn Hiền - đã từ chối và doạ kiện tòa soạn lên Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh QK5 vì báo chí đăng tin mà không xin phép (!). Ngày 12/5/2021, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai có công văn số 1889/VP-NL yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp tình hình về Dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa, sau đó thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông mời đại diện Báo Môi trường và Đô thị điện tử đến làm việc theo đúng quy định, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 18/5/2021 (trích công văn). Và cho đến hôm nay, 18/7/2021 chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì từ tỉnh Gia Lai!

Công văn số 1889/VP-NL của UBND tỉnh Gia Lai về sự việc.

Sau khi đăng bài thứ 03 ngày 16/5/2021, ngày 17/5/2021, Ban biên tập Tòa soạn Môi trường Đô thị Việt Nam đã có công văn số 92/CV-TC gửi Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng và Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị các đơn vị này tổ chức thanh tra, đảm bảo các quy định của pháp luật về việc giữ gìn, quản lý, bảo vệ tài nguyên quốc gia.

Ngày 18/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 2887/BNN-TCLN do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ký, về việc rà soát số liệu, cập nhật và công bố hiện trạng rừng năm 2020, yêu cầu các Sở, Ngành, Chính quyền các cấp thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đặc biệt là khoản 4, điều 102 trong Luật Lâm nghiệp (Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm về việc cháy rừng, mất rừng, phá rừng trên địa bàn mình quản lý).

Ngày 31/5/2021, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã gửi giấy báo tin về Tòa soạn Tạp chí, Bộ Quốc phòng đã chuyển văn bản đến Bộ Tư lệnh Quân khu 5 là cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 01/6/2021, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi công văn số 253/TTr-P3 đến Môi trường và Đô thị Việt Nam, cho biết, đã đề nghị Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, trả lời cho Tạp chí bằng văn bản và thông tin đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Công văn số 253/TTr-P3 của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Ngày 9/7/2021, Bộ Tư lệnh, Quân Khu 5 đã có văn bản số 1159/QK-TTQP gửi đến Ban biên tập Tạp chí, cho rằng thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND tỉnh Gia Lai và đề nghị UBND tỉnh Gia Lai trả lời cho Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam theo uy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong văn bản cũng nêu rõ: Lúc thành lập Ban quản lý dự án 661 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai không xin phép Bộ Tư lệnh QK5 là trái quy định. Bộ Tư lệnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Quân khu phối hợp, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các nội dung báo đã nêu, nếu có sai phạm sẽ xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật.

Văn bản của Bộ Tư lệnh, Quân khu 5 đề nghị UBND tỉnh Gia Lai trả lời cho Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có trả lời chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh Gia Lai về các vấn đề này và những xử lý nghiêm minh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về Ban quản lý dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa, không còn cảnh đá trái bóng trách nhiệm đi lòng vòng trước công luận!

Cùng chuyên mục

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.