Đứa trẻ ngày càng giỏi, tự giác ngày càng cao đều nhờ mẹ lười làm 4 điều
Đôi khi sự lười biếng của bố mẹ có thể nuôi dưỡng tinh thần tự giác và tự lập ở trẻ.
Bố mẹ đều muốn nuôi dạy đứa trẻ có tính kỷ luật. Nhưng trong quá trình này, bố mẹ được khuyên đôi khi cần có sự “lười biếng”, cho trẻ cơ hội tự làm chủ và chịu trách nhiệm đúng lúc, đúng việc.
Có bốn điều bố mẹ nên học cách "lười" để giúp con phát triển tính tự giác.
Đừng vội phàn nàn và sửa chữa lỗi nhỏ của con
Khi trẻ mắc lỗi, bản năng của bố mẹ thường là can thiệp ngay và chỉ ra lỗi đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc kiên nhẫn và không sửa lỗi ngay có thể tạo cơ hội cho trẻ tự khám phá và sửa lỗi. Những khoảnh khắc này góp phần phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng sự tự tin cho trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ quên mang sách bài tập về nhà, đừng gọi ngay cho giáo viên. Thay vào đó, hãy thảo luận với con về vấn đề đã xảy ra.
Mẹ có thể hỏi trẻ: “Con nghĩ chúng ta có thể làm gì để giải quyết điều này?” nhằm khuyến khích trẻ tự suy nghĩ và tìm ra giải pháp, chẳng hạn như mượn bài vở của các bạn cùng lớp để làm bài tập vào ngày hôm sau.
Trong quá trình thảo luận, có thể giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc tổ chức và lên kế hoạch, từ đó trẻ sẽ có thể tự tránh lặp lại lỗi tương tự trong tương lai.
Những trải nghiệm như vậy sẽ dạy cho trẻ biết về hậu quả của hành động của mình, thúc đẩy trẻ chú ý hơn vào lần sau. Bên cạnh đó, việc để trẻ tự sửa sai cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng tự lập và tính độc lập.
Đừng vội giải quyết mọi vấn đề cho con
Khi trẻ gặp phải vấn đề, phản ứng đầu tiên của nhiều phụ huynh có thể là nhanh chóng can thiệp và đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên, trong một số tình huống, việc kiên nhẫn và không đưa ra giải pháp ngay lập tức có thể khuyến khích trẻ suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề.
Ví dụ, nếu đồ chơi của trẻ bị hỏng, hãy tránh việc sửa nó ngay mà thay vào đó, hướng dẫn trẻ cố gắng tự giải quyết vấn đề.
Mẹ có thể hỏi: “Con nghĩ có cách nào để sửa chiếc xe đồ chơi này không?” khuyến khích trẻ tự mình tìm ra giải pháp, mở ra những cơ hội cho trẻ thể hiện sự sáng tạo và suy nghĩ logic. Khi trẻ tự thực hiện các bước để khắc phục sự cố, sẽ học cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau và phát triển khả năng tư duy phản biện.
Hơn thế nữa, trải nghiệm này còn dạy trẻ cách giữ bình tĩnh và tự giác khi đối mặt với thử thách. Thay vì cảm thấy thất vọng khi gặp khó khăn, trẻ sẽ học được rằng mọi vấn đề đều có cách giải quyết, và đôi khi chỉ cần một chút kiên nhẫn và nỗ lực.
Bằng cách để trẻ tự xử lý các vấn đề nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, phụ huynh đang giúp trẻ xây dựng một tâm lý mạnh mẽ, khả năng thích nghi và sự kiên trì.
Hạn chế can thiệp quá mức vào quá trình học tập của trẻ
Học tập là một quá trình tự khám phá, trẻ cần thời gian để hiểu và tiếp thu kiến thức mới. Mỗi trẻ có một phong cách học tập riêng, và việc tạo điều kiện cho trẻ phát triển theo cách của mình là vô cùng quan trọng. Bố mẹ nên học cách kiên nhẫn và không can thiệp quá mức vào quá trình học tập của con.
Chẳng hạn, khi trẻ gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà, đôi khi phản ứng tự nhiên của phụ huynh là vội vàng giúp đỡ hoặc chỉ dẫn ngay lập tức.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc trẻ mất đi cơ hội để tự mình tìm ra giải pháp và thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề. Việc để trẻ dành thời gian để làm bài, mặc dù có thể gặp trở ngại, sẽ giúp trẻ nhận ra rằng khó khăn là một phần tự nhiên của quá trình học tập.
Cho trẻ đủ thời gian và không gian để học theo tốc độ của riêng mình không chỉ hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức mà còn khuyến khích phát triển tính tự giác và tính kiên trì trong học tập. Khi trẻ tự mình đối diện với những thách thức, sẽ học được rằng sự nỗ lực là quan trọng và rằng thất bại không phải là dấu chấm hết, mà là một bước đệm để cải thiện.
Bên cạnh đó, việc cho phép trẻ tự khám phá cũng giúp phát triển lòng tự tin và sự sáng tạo. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào về những gì mình đạt được mà không cần dựa dẫm vào sự trợ giúp của người khác.
Không nên đáp ứng mọi nhu cầu của con
Hiện nay, nhiều bố mẹ dễ dàng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con. Tuy nhiên, việc học cách chấp nhận và không đáp ứng ngay lập tức mọi nhu cầu, có thể dạy trẻ về sự quan trọng của lòng biết ơn.
Chẳng hạn, nếu trẻ muốn một món đồ chơi mới, bố mẹ có thể đặt ra một mục tiêu cụ thể cho con, như hoàn thành công việc nhà trong một tuần liên tiếp trước khi mua món đồ đó.
Cách tiếp cận này nhằm nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, giúp trẻ hiểu được quá trình phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn. Khi trẻ trải qua giai đoạn chờ đợi, sẽ có cơ hội suy nghĩ về giá trị của món đồ mình muốn, từ đó trân trọng hơn những gì đã đạt được.
Ngoài ra, việc đặt ra các mục tiêu giúp trẻ phát triển tính tự giác và khả năng lập kế hoạch. Khi trẻ phải tự quản lý thời gian và công việc của mình để đạt được món đồ đó, sẽ học được cách ưu tiên và quyết định, hai kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống sau này. Sự hài lòng đến từ nỗ lực và người khác không đơn giản là việc cho đi, mà cần phải trải qua quá trình phấn đấu.
Hơn thế nữa, việc không dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu còn giúp trẻ phát triển lòng biết ơn và sự đánh giá cao đối với những thứ mình đang có. Trẻ sẽ học được rằng không phải mọi thứ đều có thể đạt được ngay lập tức, và điều đó giúp trẻ phát triển một cái nhìn thực tế, có ý thức hơn về cuộc sống.