Du lịch Hà Nội hút khách nhờ đổi mới cách làm
Nhờ không ngừng đổi mới cách làm, từ tập trung quảng bá sản phẩm trải nghiệm mới đến liên kết nhóm sản phẩm thế mạnh với các địa phương, du lịch Hà Nội đang có những bước tiến vượt bậc.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội quý II/2024 ước đạt 1,5 triệu lượt người, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 36,9%. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.150 nghìn lượt người, tăng 48,4%; khách du lịch nội địa đạt 892 nghìn lượt người, tăng 15,4%.
Tính đến cuối tháng 6/2024, trên địa bàn Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với gần 71,2 nghìn phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1-5 sao với 26,6 nghìn phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, 37% tổng số phòng. Tính chung 6 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 63,3%. Hà Nội hiện có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, thành phố cải tiến các thủ tục hành chính, tạo điều kiện nhanh và thuận tiện cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hướng dẫn viên. Trong tháng 6/2024, thành phố đã nhận 233 hồ sơ xin cấp phép, đã giải quyết gần hoàn thành; thẩm định 507 hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hà Nội hiện có 1.784 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 429 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 5.777 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.235 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 103 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở hướng tới hình thành liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý, các hiệp hội, các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, công ty vận chuyển, điểm đến, cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển sản phẩm du lịch của thành phố. Đơn cử như tổ chức chương trình mới “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội” trong Chương trình tổng thể kích cầu du lịch nội địa và quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội năm 2024 của Sở Du lịch, qua đó tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đồng thời tăng tỷ lệ công suất sử dụng phòng tại các khách sạn 4-5 sao trên địa bàn thành phố.
Đến nay, khách sạn 4-5 sao trên địa bàn đưa ra các gói sản phẩm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch thu hút khách du lịch đến trải nghiệm như: các chính sách ưu đãi về giá; gói sản phẩm “Summer Indulgence Staycation” của Hotel de l’Opera Hanoi; sản phẩm “Kỳ nghỉ trong thành phố”, “Trà chiều sang trọng” của Khách sạn Sofitel Legend Metropole; sản phẩm “Kỳ nghỉ hè vui vẻ” của Khách sạn Mövenpick Living West Hanoi....
Ngoài ra, thành phố tổ chức chương trình khảo sát, kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng; tổ chức các đoàn khảo sát điểm đến du lịch tại quận Ba Đình (đền Voi Phục, đền quán Thánh, phố Đảo Ngọc - Ngũ Xã); điểm đến du lịch tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ và Quốc Oai. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì...
Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu. Thành phố tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các đài truyền hình trong nước, các nền tảng số, trang Website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng. Cùng với đó, các clip, biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch tại Hà Nội đã được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thành phố đang tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch. Sở Du lịch kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu về du lịch Thủ đô trên website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường liên kết giữa khách du lịch – các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch – cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Những tháng còn lại của năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung tổ chức các chương trình, sự kiện như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024; chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội; chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội; Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024...
Cùng với đó, Sở tập trung xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước.