Dự án Cát Linh - Hà Đông lại dính 'phốt' trong an toàn cháy nổ
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới Bộ Công an kiến nghị Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC), tiếp tục hỗ trợ nghiệm thu PCCC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Đầu tháng 1, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hà Nội và công an các quận kiểm tra điều kiện phòng chống cháy nổ tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Quá trình kiểm tra, các đơn vị phát hiện một số tồn tại của dự án.
Khoảng cách lối lên xuống của các nhà ga, tường ngăn phía tiếp giáp với công trình xung quanh và 2 cây xăng dầu số 40, 45 gần nhà ga Văn Khê và La Khê. (Ảnh: Internet). |
Cụ thể, khoảng cách lối lên xuống của các nhà ga, tường ngăn phía tiếp giáp với công trình xung quanh và 2 cây xăng dầu số 40, 45 gần nhà ga Văn Khê và La Khê được kết luận không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, nhà thầu tư vấn giám sát về phòng cháy chữa cháy là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh chưa có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, đơn vị tư vấn giám sát đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh; ký hợp đồng tư vấn giám sát với chủ đầu tư từ tháng 3/2010, nhưng đến nay chưa có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC theo quy định.
Ban quản lý dự án đường sắt không hướng dẫn nhà thầu tư vấn giám sát dự án hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam thời gian qua là có thiếu sót. Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá đây là nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài có kinh nghiệm trong giám sát các dự án đường sắt đô thị tại Trung Quốc, trong đó có giám sát thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên ngành PCCC.
Cạnh đó, sau khi trúng thầu, tư vấn giám sát không thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện để hoạt động tại Việt Nam mà chỉ tiến hành huy động nhân sự, chuyên gia theo yêu cầu, đảm bảo tiến độ thi công các chuyên ngành của dự án. Các nhân sự này đều có bằng cấp chuyên môn phù hợp và có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát do cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc cấp.
Đối với vấn đề hồ sơ năng lực pháp nhân theo quy định của tư vấn giám sát, Bộ GTVT giải thích đơn vị tư vấn giám sát của dự án đã được chủ đầu tư phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết hợp đồng vào tháng 3/2010.
Lúc này, Nghị định 79/2014 chưa được ban hành nên chưa có yêu cầu điều kiện về chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC của đơn vị tư vấn giám sát.
Sau khi Nghị định 79 được ban hành, Bộ GTVT cũng thừa nhận Ban QLDA đường sắt có thiếu sót khi không hướng dẫn tư vấn giám sát thực hiện hoàn thiện các thủ tục theo nghị định mới.
"Đây là nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn giám sát đối với các dự án đường sắt đô thị tại Trung Quốc... Mặt khác, sau khi trúng thầu, đơn vị tư vấn giám sát không thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện để hoạt động tại Việt Nam...", đại diện Bộ GTVT giải thích.
Với những lý do trên, Bộ GTVT đề nghị Cục cảnh sát PCCC xem xét và chấp thuận chứng chỉ tư vấn giám sát công tác phòng cháy chữa cháy đã được cấp tại Trung Quốc đối với đơn vị tư vấn giám sát của dự án, làm cơ sở để nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy.
Trong đó, trường hợp các nhà ga không bảo đảm an toàn PCCC, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát PCCC... bổ sung phương án tường ngăn cháy để bảo đảm an toàn vận hành.
Với các nhà ga Văn Khê, La Khê xây dựng quá gần các cây xăng, Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội thông báo tạm dừng hoạt động, di dời các cây xăng trước khi đưa dự án vào vận hành. Nhưng các phương án trên phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể.
Lộ trình khắc phục các tồn tại sẽ được Bộ GTVT phối hợp với UBND Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC tiếp tục giải quyết khi vận hành, khai thác dự án, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ theo quy định.