Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy thử 20 ngày sau gần 1 thập kỷ thi công
Sáng sớm 12/12, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử như khai thác thương mại để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết, công tác chuẩn bị kích hoạt toàn hệ thống để khởi động chạy đoàn tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông diễn ra từ lúc 3h30 sáng 12/12.
Ảnh: Tiến Tuấn.
Theo lãnh đạo Ban, hoạt động vận hành thử nghiệm có sự tham gia của nhiều bên, gồm: Chủ đầu tư dự án, Tổng thầu Trung Quốc, Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước...
Đây được đánh giá là sự kiện đặc biệt quan trọng của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bởi sau rất nhiều nỗ lực thúc đẩy dự án chậm tiến độ, đến nay việc vận hành thử nghiệm toàn hệ thống dự án đã được thực hiện.
Thời gian vận hành thử nghiệm toàn hệ thống Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ kéo dài trong 20 ngày, từ 12/12-31/12.
Có 9/13 đoàn tàu được đưa vào khai thác thử liên tục (3 đoàn tàu dự phòng) trong ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh.
Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông.
Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. Khi khai thác, tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, từ ngày 4/11, toàn bộ lao động người Việt Nam vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông đã thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến, do chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc kiểm tra, sát hạch.
Các nhân viên của dự án đã sẵn sàng vận hành thử tàu, trong đó các lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia đào tạo thực hành.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong thời gian vận hành thử nghiệm, Tổng thầu sẽ trực tiếp hướng dẫn các nhân sự Việt Nam đã được đào tạo tại Trung Quốc thực hiện vận hành dự án trên thực tế.
Lãnh đạo cấp cao của Cục 6 đường sắt Trung Quốc sẽ trực tiếp điều hành quá trình vận hành thử nghiệm và tới khi có đánh giá cụ thể về dự án thì vị này mới rời Việt Nam.
Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, ngoài những đánh giá chung của đơn vị thực hiện dự án, tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác, tư vấn Pháp mới cấp chứng chỉ cho dự án.
Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho TP. Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Theo Bộ GTVT, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt và phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi bàn giao, đưa vào vận hành, khai thác.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa khoảng 1.000 khách, vận tốc thiết kế 80 km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h.
Khi khai thác, tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Đoàn tàu sử dụng công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa và hệ thống điều khiển tự động.
Dự án có hạ tầng đường ray thép đi cao trên cầu cạn, đường đôi riêng biệt. Đường ray khổ rộng 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.
Tuyến sử dụng công nghệ lấy điện từ đường ray thứ 3, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.
Theo hợp đồng EPC, Tổng thầu Trung Quốc sẽ thực hiện bảo hành dự án 2 năm cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau khi được bàn giao và đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015, nhưng đến nay sau 8 lần lỗi hẹn dự án vẫn chưa được đưa vào khai thác thương mại.
Năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 8,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD.
8 năm sau, vào năm 2016, do thay đổi thiết kế, chậm giải phóng mặt bằng… dự án được điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng so với tổng mức ban đầu.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD), tăng 7,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.