Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Người dân mua vé ở đâu, giá dự kiến sẽ là bao nhiêu?
Từ ngày 12/12, tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận hành chạy thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày và nếu được cấp chứng chỉ, dự kiến sang năm 2021 sẽ khai thác thương mại.
Từ ngày 12/12, tàu Cát Linh - Hà Đông đã tiến hành vận hành chạy thử mỗi ngày với 287 lượt tàu chạy, giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt. Mỗi chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành sẽ có chuyên gia của Tổng thầu, đơn vị nghiệm thu cùng đi để ghi nhận, đánh giá.
Riêng Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cũng đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên, khoảng 700 người lên tuyến làm việc, một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ.
Sau thời gian vận hành thử, nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được nghiệm thu và bàn giao cho thành phố Hà Nội, sau đó chuyển giao cho Hà Nội Metro quản lý, vận hành, khai thác.
Dự kiến sau khi đưa vào khai thác thương mại, mỗi ngày có 9 - 10 đoàn tàu chạy phục vụ hành khách. Bình quân 3 phút/lượt tàu dừng đón/ trả khách tại các ga. Khách sau khi mua vé/ quẹt thẻ vào nhà ga sẽ di chuyển lên tầng 2 chờ đi tàu.
Hơn 600 nhân sự của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cũng được bố trí dọc tuyến vận hành theo quy trình biểu đồ chạy tàu và được chia làm 3 ca/ ngày.
Mỗi ca sẽ có khoảng 200 người phục vụ vận hành toàn tuyến, trong đó tại 12 nhà ga sẽ bố trí 60 người phục vụ công tác vận hành nhà ga, hơn 100 người phục vụ tại khu ga Depot, số còn lại thay nhau kiểm tra thiết bị, an ninh, an toàn…
Tổng thầu Trung Quốc đã in hàng triệu thẻ vé. Hành khách có thể nạp tiền theo nhu cầu để lên tàu.
Theo thông tin từ TP Hà Nội, sau khi chính thức vận hành khai thác vào năm 2021, hành khách đi tàu có thể mua vé tàu Cát Linh - Hà Đông qua một hệ thống bán vé tự động hoặc tại quầy và sử dụng thẻ để ra vào ga.
Khi mua vé tàu Cát Linh - Hà Đông, hành khách sẽ phải tới các nhà ga thực hiện các thao tác trên hệ thống bán vé như: Chọn điểm đến, máy sẽ thông báo số tiền, hành khách chỉ cần đưa tiền vào máy sẽ trả vé và trả lại tiền thừa. Giá vé sẽ được làm tròn tới đơn vị nghìn đồng.
Cụ thể, giá vé được TP Hà Nội lấy ý kiến sẽ có 3 loại, áp dụng theo tháng, ngày và vé lượt. Khách đi theo tháng, giá vé là 200.000 đồng, vé ngày 30.000 đồng đi không giới hạn.
Đối với vé lượt, di chuyển toàn tuyến tối đa là 15.000 đồng/lượt/ người. Đi quãng đường ngắn nhất là 8.000 đồng/người. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Sau khi mua vé, hành khách sẽ đi qua cửa soát vé tự động, có 6 cửa soát vé, 3 vào, 3 cửa ra, mỗi 1 cửa trong 1 phút có thể đọc được 42 hành khách.
Nếu tới điểm ra mà hành khách đi quá chặng sẽ phải cho vé vào máy để điều chỉnh. Hành khách đi không đúng điểm sẽ không ra được khỏi tàu.
Đối với những hành khách mua nhầm vé tàu Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết, nếu hành khách bị nhầm hướng sẽ vẫn phải trả tiền bằng mức quy định.
Trong tương lai sẽ tiến tới tích hợp 1 thẻ trả tiền trước có thể đi được cả xe buýt, tàu điện Metro, gửi xe, mua hàng. Nhưng giai đoạn trước mắt thẻ trả tiền trước này được áp dụng với Metro Hà Nội.
Trước đó, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết chưa nhận báo cáo nào về thông tin tư vấn Pháp "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc trong quá trình chạy thử nghiệm tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo vị này, hiện nay đối với dự án này đang tiến hành vận hành thử, chuyển giao công nghệ và có rất nhiều việc phải làm, phải đánh giá, phải xử lý và thống nhất. Vì thế, trong một tình huống mà có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, quan trọng nhất là cuối cùng các bên thống nhất xử lý như thế nào cho hiệu quả nhất. Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận và vận hành dự án) cho hay, trong 3 ngày đầu vận hành thử Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các lượt tàu đã được chạy đủ theo biểu đồ hoạt động. Tổng số chuyến đạt 287 lượt/ngày; tần suất 6 phút/lượt vào giờ cao điểm, 10 phút/lượt vào giờ bình thường. Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, toàn tuyến đã cơ bản bố trí đủ 650 người vận hành trên tuyến, thời gian nhân viên trực và vận hành tàu là từ 5h - 23h hàng ngày. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày, từ 12/12 - 31/12. Các đoàn tàu được đưa vào khai thác thử liên tục trong ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh. Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, ngoài những đánh giá chung của đơn vị thực hiện dự án thì tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác thì tư vấn Pháp mới cấp chứng chỉ cho dự án này. Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho Hà Nội đưa vào khai thác thương mại. |