Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 06/12/2022 10:06 (GMT+7)

Doanh nghiệp cầm đồ và vòng vây lãi nặng dưới vỏ bọc “chi phí vay”

Theo dõi GĐ&PL trên

Các tiệm cầm đồ đã dùng thuật ngữ “chi phí vay” để siết chặt người dân vào vòng vây phải trả loại chi phí này theo tỷ lệ phần trăm (%) số tiền vay thay cho từ… lãi suất.

Công ty của Shark Bình cho vay: Vay 6,6 triệu, trả 12 triệu sau 1 năm

Không chỉ riêng F88 cho vay lãi nặng mà nhiều công ty cầm đồ khác hiện đang có mặt trên thị trường cũng có mức lãi rất cao. Đầu tháng 12/2022, chúng tôi đến cửa hàng Tiện Ngay (TienNgay.vn, thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Việt) ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM hỏi vay. Hệ thống cầm đồ này hiện có hơn 60 phòng giao dịch trên cả nước.

Tiện Ngay (TienNgay) là thương hiệu của Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Việt (VFC), nằm trong hệ sinh thái của NetxTech Group do ông Nguyễn Hòa Bình (còn được biết đến với tên gọi Shark Bình) làm Chủ tịch HĐQT.

Vẫn với các thủ tục tương tự như tại các cửa hàng F88, nhân viên Tiện Ngay yêu cầu người vay cung cấp CMND/CCCD và cà vẹt xe chính chủ để nhập lên hệ thống, thẩm định mức vay. Theo nhân viên, xe hãng Honda đời 2015, biển số tỉnh chỉ vay được hơn 7.350.000 đồng.

“Tụi em không có cầm xe, chỉ giữ giấy tờ thôi. Anh vay ở đâu cũng vậy hết, có cái khoản là bảo hiểm khoản vay, nên khi anh nhận tiền chỉ là hơn 6.670.000 đồng, bảo hiểm mấy trăm ngàn đó. Với kỳ hạn 12 tháng, mỗi tháng anh phải trả khoảng 1.000.000 đồng”, nhân viên tư vấn.

Rời cửa hàng này, phóng viên tiếp tục di chuyển sang khu vực Q.Bình Thạnh (TP.HCM) và ghé vào cửa hàng Tiện Ngay thứ hai để tìm hiểu. Nhân viên tư vấn về các khoản vay tại Tiện Ngay có nhiều kỳ hạn như: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, kỳ hạn ngắn thì lãi cao hơn. Tuy nhiên, sau đó, nhân viên cho biết giấy tờ xe có thông tin không phù hợp nên từ chối cho vay.

Chúng tôi ghé vào cửa hàng Tiện Ngay thứ ba ở Q.Gò Vấp, sau khi thực hiện các bước tương tự, Tiện Ngay định giá xe máy Honda đời 2015 được vay 7.300.000 đồng, tương đương cửa hàng đầu tiên: “Bên em giải ngân bằng chuyển khoản, không có tiền mặt, 7,3 triệu là đã bao gồm bảo hiểm, thực nhận là hơn 6,6 triệu đồng. Nếu trả trước hạn thì phạt 8% trên dư nợ còn lại”.

Theo như bảng tính toán chi tiết của Tiện Ngay, sau 12 tháng, người vay phải trả số tiền lên đến gần 12 triệu đồng, chênh lệch gần 5,4 đồng, bằng 81% số tiền thực vay (hơn 6,6 triệu đồng). Cần biết, tiền lãi tối đa theo mức quy định của Luật Dân sự là 20%/năm.

Doanh nghiệp cầm đồ và vòng vây lãi nặng dưới vỏ bọc “chi phí vay” ảnh 1
Người vay chỉ thực nhận 6.600.000 đồng nhưng phải trả gần 12.000.000 đồng.

Bất ngờ từ thuật ngữ “chi phí vay”

Trong thị trường phi tín dụng, các loại tiệm cầm đồ có những quy định về chi phí vay khác nhau. Chúng tôi tìm đến hệ thống cầm đồ VietMoney (thuộc Công ty cổ phần Việt Money) để khảo sát cách tính lãi tại nơi đây. VietMoney hiện có hơn 40 phòng giao dịch ở các tỉnh thành phía Nam.

Khác với F88 hay Tiện Ngay, VietMoney bắt buộc người cầm đồ phải có tài sản thế chấp. Khi đặt câu hỏi có nhu cầu cầm xe Lead đời 2017 để vay số tiền vài chục triệu đồng, nhân viên tại cửa hàng ở TP.Thủ Đức (khu vực Q.9 cũ) đã tìm hiểu thông tin tài sản.

Nữ nhân viên ghi lại số khung, số máy, giấy đăng ký xe và căn cước công dân của khách có nhu cầu cầm cố. Khi xác định xe chính chủ, nhân viên VietMoney chuyển tất cả thông tin đến trưởng bộ phận cho vay để thẩm định tài sản cần cầm cố. Sau một lúc, VietMoney phản hồi kết quả thẩm định giá trị xe là 12 triệu đồng. Nếu đồng ý, VietMoney sẽ tiến hành làm hợp đồng để chi tiền cầm cố.

Về lãi suất, nhân viên này xác nhận là 5,6%/tháng và khách phải đóng thêm chi phí bãi xe là 200 ngàn đồng/tháng. Trong thời gian vay, nếu khách có nhu cầu trả nợ sớm trước hạn thì theo quy tắc 10+1, 20+1 hoặc 30+1. Tức là, vay trả ngay trong 10 ngày thì tính đúng 10 ngày lãi, 11 ngày thì 20 ngày lãi và 21 ngày thì 30 ngày lãi…

Theo quy định của VietMoney, “chi phí vay” là tổng của lãi suất, phí xét duyệt khoản vay, phí bảo quản tài sản và thuế VAT. Trong đó, lãi suất 1,65%/tháng (bao gồm VAT). Phí xét duyệt khoản vay 1,6%/tháng. Phí bảo quản tài sản là phí bảo quản, lưu trữ tài sản, tùy từng loại tài sản nhận cầm cố sẽ có phí bảo quản, lưu giữ cụ thể, phù hợp với loại tài sản.

Đối với những khách hàng trả nợ trước hạn, VietMoney áp dụng phí phạt trả nợ trước hạn. Đây là loại phí phạt phát sinh khi khách hàng vi phạm lịch trả nợ theo gói vay. VietMoney tính phí phạt trả nợ trước hạn bằng % phí phạt nhân với số tiền gốc khách trả nợ.

Doanh nghiệp cầm đồ và vòng vây lãi nặng dưới vỏ bọc “chi phí vay” ảnh 2
Các cơ sở cầm đồ đưa ra hàng loạt các loại phí, chi phí vô lý đến mức khó tin mà các tổ chức tín dụng không dám quy định.

Cảnh báo các ngân hàng núp bóng hoạt động kinh doanh cầm đồ

F88, Tiện Ngay, VietMoney không phải là tổ chức tín dụng nên cách tính lãi, lãi phạt được tự do áp đặt và biến thiên tùy thích. Đáng chú ý, các cơ sở cầm đồ đưa ra hàng loạt các loại phí, chi phí vô lý đến mức khó tin mà các tổ chức tín dụng không dám quy định. Từ đó dẫn đến, “chi phí vay” của các tiệm cầm đồ dao động từ hơn 50% đến 90%/năm.

Chúng tôi xin nhắc lại, các tiệm cầm đồ đều sử dụng thuật ngữ “chi phí vay” là bao gồm cả lãi suất theo quy định của pháp luật và “chi phí vay” biến thiên theo tỷ lệ % như lãi suất. Hay nói cách khác, gần đây, các đối tượng cho vay nặng lãi bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật thì “chi phí vay” là một thuật ngữ khác đã bắt đầu được sử dụng công khai và rộng rãi.

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân phân tích, hoạt động cầm cố không phải là tổ chức tín dụng. Trường hợp, ngân hàng thông qua F88 để cho vay là bất thường, cũng bởi, người dân phải tốn một khoản “chi phí vay” vô lý khi thông qua kênh trung gian là F88.

Thuật ngữ trong hoạt động tín dụng không có cụm từ “chi phí vay” mà chỉ có “lãi vay”. Theo cách hiểu, “chi phí vay” không khác một hoạt động môi giới. Chuyên gia Lê Bá Chí Nhân đặt câu hỏi: “Liệu hoạt động “môi giới tín dụng” kiểu của các công ty cầm đồ có được pháp luật thừa nhận không? Cũng bởi, các công ty cầm đồ không có chức năng hoạt động môi giới về tiền tệ.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép cho doanh nghiệp cầm đồ hoạt động cầm cố tài sản chứ không được quyền hoạt động theo các nghiệp vụ như một tổ chức tín dụng”, chuyên gia Lê Bá Chí Nhân khẳng định.

Doanh nghiệp cầm đồ và vòng vây lãi nặng dưới vỏ bọc “chi phí vay” ảnh 3
Chưa lúc nào cầm đồ lại nở rộ và len lỏi vào tận ngóc ngách như hiện nay.

Luật gia Trần Nguyên Đán – Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm, bất kỳ hoạt động cho vay nào cũng phải tuân theo Luật của các tổ chức tín dụng. Luật của các tổ chức tín dụng có quy định về trần lãi suất cho vay. Do đó, hàng loạt các công ty kinh doanh cầm đồ đã ra đời được sự hậu thuẫn của các tổ chức tín dụng để “xé rào” quy định về trần của lãi suất. Không chỉ F88, Tiện Ngay hay VietMoney mà những phần mềm cầm đồ sử dụng ứng dụng bằng thiết bị di động thông minh sẽ ra đời để phục vụ mục đích cho vay.

Lý do, thỏa thuận về lãi suất của các công ty kinh doanh cầm đồ chỉ bị điều chỉnh bởi Luật dân sự. Hoạt động cho vay tồn tại dưới 2 hình thức: Thế chấp và Tín chấp. Khi hoạt động cầm đồ phát triển mạnh thì các cơ quan chức năng không thể kiểm soát. Ngoài ra, các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng cầm đồ còn dùng các thủ thuật để… giấu lãi.

Tại sao ngân hàng thương mại lại bị chi phối bởi Ngân hàng Nhà nước? Ngân hàng thương mại cho vay bằng tiền của khách hàng gửi tiền là chủ yếu. Do đó, ngân hàng thương mại phải có quản trị rủi ro. Các khoản nợ xấu, không thu hồi được nợ sẽ bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi”.

Còn đối với các công ty hoạt động kinh doanh cầm đồ, về bản chất cho vay bằng tiền của chính các doanh nghiệp này. Vì vậy, khi phát sinh nghiệp vụ cầm cố, nếu các doanh nghiệp không thu hồi được nợ thì phải tự chịu những rủi ro này.

Ngoài ra, các hoạt động tài chính khác như doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tận dụng triệt để và sống “ký sinh” trên hoạt động cầm đồ.

Trên thị trường cho vay hiện nay, đã xuất hiện các ứng dụng cho vay tiền hoạt động sôi nổi. Đây là hình thức cho vay như các ngân hàng thương mại nhưng hoạt động… phi chính thống. Một số công ty cầm đồ, ứng dụng cho vay điện tử “bắt tay” với ngân hàng bằng hình thức góp vốn đầu tư.

Sau đó, dòng tiền từ các ngân hàng này sẽ “rót” cho các kênh hoạt động cho vay “phi chính thống” để được nằm ngoài sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất. Nhà nước đang mất dần sự kiểm soát về lãi suất thông qua quy định “chi phí vay” từ các tổ chức tín dụng phi chính thống.

Các tổ chức tín dụng phi chính thống thường nhắm đến dân nghèo, ít hiểu biết để cung cấp các gói vay, “chi phí vay” sặc mùi “nặng lãi” để lấy đi những tài sản còn sót lại trong dân.

Ngay lúc này, nhà nước cần có “khung pháp lý” để giải quyết nhanh chóng và triệt để vấn đề. Luật gia Trần Nguyên Đán nhấn mạnh, “khung pháp lý” khác hoàn toàn với “hành lang pháp lý”. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm đồ đang đi trên “hành lang pháp lý” rất an toàn nên các cơ quan chức năng khó có thể “đụng chạm” đến.

Thế nhưng, với một “khung pháp lý” cần thiết và kịp thời từ các cơ quan nhà nước thì việc bảo vệ người dân có nguy cơ trắng tay từ các tổ chức tín dụng phi chính thống là không thể chần chừ.

Luật gia Trần Nguyên Đán cảnh báo, hiện nay, các tổ chức tín dụng phi chính thống đang “rục rịch” phát triển ứng dụng cho vay. Đối tượng của các tổ chức này nhắm đến là người lao động nghèo và sinh viên. Đây là những đối tượng dễ có nguy cơ “sụp bẫy” lãi suất thông qua các ứng dụng công nghệ cho vay.

Cùng chuyên mục

Kết luận thanh tra tại BIDV Sóc Trăng bị tẩy xoá nhiều nội dung
Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng phát hiện hàng loạt vi phạm trong quá trình hoạt động tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Sóc Trăng. Tuy nhiên, Kết luận thanh tra khi được công khai đã bị tẩy xoá ở nhiều trang quan trọng.
SeABank lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu
Ngày 08/08/2024, tại Lễ công bố và vinh danh giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2024 (VOBA), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) tự hào được vinh danh ở hạng mục Ngân hàng có Sản phẩm Dịch vụ Sáng tạo Tiêu biểu dành cho ứng dụng Ngân hàng điện tử cho khách hàng doanh nghiệp - SeAMobile Biz. Đây là lần thứ 4 liên tiếp SeABank được vinh danh trong hệ thống giải thưởng này.
Đề xuất ứng dụng Mobile Banking phải xác thực sinh trắc học
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng. Trong đó, có đề xuất quy định ứng dụng Mobile Banking phải xác thực sinh trắc học khớp với dữ liệu của căn cước.

Tin mới

Khắc phục ít nhất 3/4 tài sản tham ô, người bị kết án tử hình có thể được giảm nhẹ mức án
Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ" mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động là giải pháp quan trọng, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.