Điều kiện được bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất
Pháp luật quy định thế nào về điều kiện để được bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất? Bạn đọc H.L.K hỏi.
Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 88, Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
Theo đó, khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ sở hữu tài sản sẽ được bồi thường nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
Điều kiện 1: Là tài sản hợp pháp.
Điều kiện 2: Khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại cho tài sản.
Theo quy định trên, có thể thấy điều kiện mà chủ sở hữu tài sản được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất khá đơn giản, hầu hết các trường hợp trên thực tế khi Nhà nước thu hồi đất và tiến hành kiểm đếm bắt buộc sẽ biết tài sản nào sẽ được bồi thường và đơn giá bồi thường là bao nhiêu.
Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp khá phức tạp mà người dân không biết rõ có được bồi thường hay không như xây đón dự án để chờ đền bù, khi biết thông tin thu hồi đất mới tiến hành trồng cây,…
Khi nào tài sản được xác định là hợp pháp
Đối với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác
Theo khoản 1, Điều 6; khoản 2, Điều 92, Luật Đất đai 2013 và khoản 30, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, công trình xây dựng được coi là hợp pháp nếu có đủ điều kiện sau:
- Sử dụng đúng mục đích sử dụng đất.
- Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép trước khi khởi công.
- Được xây dựng trước khi có thông báo thu hồi đất.
Khoản 1, Điều 67, Luật Đất đai 2013 quy định trước khi có quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định. Cụ thể:
+ Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
+ Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.
Theo đó, nếu xây dựng sau khi có thông báo thu hồi đất không những không được coi là tài sản hợp pháp mà còn bị phạt tiền, buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
- Xây dựng đúng quy hoạch sử dụng đất.
Theo đó, công trình xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ bị xử phạt tiền, buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm quy hoạch.
Đối với cây trồng
Theo khoản 1, Điều 6 và khoản 2, Điều 92, Luật Đất đai 2013, cây trồng được coi là hợp pháp khi có đủ điều kiện sau:
- Sử dụng đất đúng mục đích.
- Được trồng trước khi có thông báo thu hồi đất.
- Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tài sản bị thiệt hại do Nhà nước thu hồi đất
Không phải khi nào Nhà nước thu hồi đất thì chủ sở hữu tài sản cũng được bồi thường. Nói cách khác, chủ sở hữu tài sản hợp pháp chỉ được bồi thường nếu Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại cho tài sản đó.
Thiệt hại đối với tài sản là thiệt hại về vật chất, biểu hiện trên thực tế như nhà ở, công trình bị phá dỡ, cây trồng bị chặt bỏ,…
Có thể thấy việc thiệt hại đối với nhà ở, công trình xây dựng khác khá dễ nhận thấy ngay cả khi người dân không nắm rõ quy định của pháp luật. Riêng tài sản là cây trồng, vật nuôi trong một số trường hợp sẽ phức tạp hơn. Cụ thể:
Đối với cây trồng
Biểu hiện thiệt hại đối với cây trồng chủ yếu là bị chặt, đốn hoặc bị phá bỏ. Bên cạnh đó, đối với một số loại cây trồng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì biểu hiện của thiệt hại đó là chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.
Mức bồi thường thiệt hại đối với cây trồng trong trường hợp này được quy định cụ thể tại điểm c, khoản 1, Điều 90, Luật Đất đai 2013 như sau: “c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại”.
Theo quy định trên, có thể thấy cây trồng không bị chặt, đốn, lấp, chôn vùi nhưng vẫn được bồi thường vì chủ sở hữu cây trồng đó bị thiệt hại như do phải di chuyển, phải trồng lại.
Đối với vật nuôi
Có thể thấy đa số các trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất thì không gây thiệt hại cho vật nuôi nên chủ sở hữu vật nuôi không được bồi thường như trâu, bò, lợn, gà,… vì những loài vật này di chuyển được mà không bị thiệt hại.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi, đó là thủy sản. Mặc dù vậy, không phải khi nào vật nuôi là thủy sản cũng được bồi thường mà chỉ được bồi thường nếu tại thời điểm thu hồi đất thủy sản đó chưa đến thời kỳ thu hoạch.
Điểm b, khoản 2, Điều 90, Luật Đất đai 2013 quy định bồi thường đối với thủy sản bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm, trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra, mức bồi thường do UBND cấp tỉnh quy định.