Điện Biên: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh huyện Tuần Giáo
Tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ việc một số học sinh bị ngộ độc nhẹ do ăn quả dại, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo các trường trên địa bàn tăng cường kiểm soát chặt chẽ.
Theo Phòng GD-ĐT huyện Tuần Giáo cho biết, năm học 2023 - 2024, huyện có 62 trường, thuộc 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó, 34 trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh với tổng số khoảng 12.500 suất ăn.
Quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ việc một số học sinh ở Mùn Chung bị ngộ độc nhẹ do ăn quả dại, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo các trường trên địa bàn tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước; phòng, chống học sinh ăn các loại nấm, cây, quả có độc.
Gần nhất, vào ngày 18/9 vừa qua, Phòng tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các trường chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và ngộ độc do độc tố tự nhiên. Theo đó, các trường có tổ chức bếp ăn tập thể phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo đúng quy định; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm; sử dụng thực phẩm nấu chín và nước đã được đun sôi.
Tại Trường Mầm non Mùn Chung có 12 nhóm lớp, gần 280 trẻ. Với mục tiêu chăm sóc tốt từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ, Trường luôn chú trọng thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm . Tất cả nguồn nguyên liệu, như: Thịt, cá, trứng, giò, chả, rau, củ, quả… đều được nhập hàng ngày, có chất lượng đảm bảo; kiên quyết loại bỏ, trả lại cơ sở cung cấp nếu không đảm bảo. Quá trình chế biến, nấu ăn, nhân viên làm việc tại bếp đều thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như đội mũ, đeo găng tay chuyên dùng, tạp dề, đeo khẩu trang.
Còn tại Trường PTDTBT THCS Mùn Chung, nơi xảy ra vụ việc hơn 40 học sinh phải đến Trung tâm Y tế huyện thăm khám, theo dõi, kiểm tra sức khỏe khi xuất hiện triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy sau khi ăn quả dại; không khí vui chơi, học tập đã trở lại bình thường, không còn sự lo âu, căng thẳng như hôm xảy ra sự việc. Sau tìm hiểu, nguyên nhân là do các em ăn quả vông dại nên bị ngộ độc nhẹ, Trường đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý học sinh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh để xảy ra sự việc tương tự.
Khu vực ăn của trẻ được bố trí riêng, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát; thức ăn cũng được Trường lưu mẫu hàng ngày. Ban giám hiệu, nhân viên y tế cũng thường xuyên giám sát, kiểm tra về định lượng bữa ăn, quy trình chế biến, chất lượng thực phẩm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhờ làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều năm qua Trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Phòng GD-ĐT huyện Tuần Giáo cũng khuyến khích các trường tăng gia sản xuất, như trồng thêm rau xanh, nuôi gà, lợn… để bổ sung nguồn thực phẩm an toàn cho học sinh; tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường để phòng, chống các bệnh lây truyền.
Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, giáo viên, nhân viên nấu ăn và cha mẹ học sinh về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.