Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Sáng ngày 09/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ nhất để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Trong đó, đại diện tổ chức Công đoàn đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 5-6%.
Tại phiên họp, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo kết quả khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trên gần 3.000 lao động thuộc sáu tỉnh, thành cả nước. Theo báo cáo, thu nhập của người lao động (NLĐ) cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, chăm sóc con cái...
Cụ thể, chỉ 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 75,5% còn lại trả lời thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Thậm chí có người nhận mức lương chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Đáng lưu ý, 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an. Do không có tích lũy, nhiều người lao động khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần. 12,3% người lao động từng rút một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần. Người lao động cũng phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà (trung bình hơn 1,8 triệu đồng).
Tiền lương cũng được coi là nguyên nhân chính ảnh hưởng quyết định lập gia đình của 53,7% và quyết định có con của 72% người lao động. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi. Chỉ có 37,7% người lao động có tiền lương đảm bảo nhu cầu học tập của con.
Về những vấn đề nêu trên, đại diện tổ chức Công đoàn đang đề xuất mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 ở mức 5 - 6% để bù đắp chỉ số trượt giá và để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với trước đây. Tuy nhiên trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp mong muốn có nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải gồng mình để duy trì việc làm. Do đó, việc xem xét tăng lương phải được tính toán kỹ càng và có lộ trình cụ thể.