Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 07/03/2022 20:03 (GMT+7)

Đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, chuyên gia nói gì?

Theo dõi GĐ&PL trên

Bộ Y tế ngày 5/3 đề xuất cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly và tiến tới xem Covid-19 là bệnh 'lưu hành', chuyên gia nói gì?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đề xuất này là hợp lý, tuy nhiên "nới lỏng nhưng không thả lỏng", chuyển từ "cấm đoán" sang "kiểm soát rủi ro".

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tuân thủ 5K. Từ đó, hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, các F0, F1 cần tăng cường theo dõi sức khỏe. Nếu xuất hiện triệu chứng, họ cần thực hiện xét nghiệm ngay để có các biện pháp cách ly, điều trị phù hợp.

"Với một cơ quan, đơn vị, xí nghiệp cần có phương án, kịch bản như người nào giữ vị trí trọng yếu, người nào ở bộ phận nào được sắp xếp cho hợp lý để vừa có nhân lực phục vụ sản xuất, vừa vẫn phải phòng chống được dịch bệnh", ông Phu khuyến cáo nếu các cơ quan, xí nghiệp, địa phương không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cả công ty thành F0, không còn ai đi làm.

Theo ông Phu, hiện nay chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đang chiếm ưu thế, dần thay thế chủng Delta nên số ca mắc tăng cao thời gian qua. Chủng này tuy triệu chứng nhẹ, nhưng ông khuyến cáo phải hạn chế sự lây lan nếu không dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, nhiều người tử vong và diễn biến nặng.

"Chấp nhận cho sự lây lan nhưng phải kiểm soát được", ông Phu nhấn mạnh. Hà Nội hiện là địa phương "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm khi ngày 6/3 ghi nhận gần 30.000 ca. Theo báo cáo của thành phố, chủng Omicron đã xuất hiện tại 20/30 quận huyện của Hà Nội. Ông Phu nhận định, thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cần có giải pháp hạn chế sự bùng phát mạnh.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.

Về vấn đề này, ông Phu cho hay, Việt Nam nên tiến tới xem Covid-19 là "bệnh lưu hành", nhưng thời điểm này thì chưa nên. Theo ông, còn nhiều yếu tố Việt Nam chưa đạt để xem Covid-19 là bệnh lưu hành, như việc lây nhiễm không ổn định, biến chủng, có thể bùng phát không kiểm soát được, quá tải hệ thống y tế làm ảnh hưởng đến xã hội. Xã hội vẫn phải sử dụng những biện pháp để đáp ứng hơn mức bình thường so với các bệnh truyền nhiễm khác.

Đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Bộ Y tế đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly (Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết F0 không triệu chứng có thể đi làm, nhưng phải đảm bảo tránh lây nhiễm cho người khác. Theo ông Nga, nguyên tắc khi F0 đi làm, cần tuân thủ nghiêm 5K, hoặc phải có các điều kiện khác để tránh lây nhiễm, như không tiếp xúc những người xung quanh, có phòng riêng,...

"F0 không triệu chứng cần phải thông báo với cơ quan, người xung quanh mình là F0 để mọi người có biện pháp phòng ngừa", ông Nga nói.

Theo vị chuyên gia, khi Covid-19 có đủ các tiêu chí để trở thành "bệnh lưu hành" thì tất cả F0 đều có thể đi làm và thực hiện tốt 5K. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chỉ F0 đáp ứng đủ được các điều kiện phòng lây nhiễm mới nên đi làm, ví dụ như nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0.

Trong đề xuất trình Chính phủ về việc F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine, không cần cách ly, mà chuyển sang tự theo dõi sức khỏe 10 ngày, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nhóm F1 vẫn cần tuân thủ 5K, xét nghiệm sau 5-7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, ý thức tự giác của F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng.

Đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Các chuyên gia nói gì về đề xuất cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly (Ảnh minh họa)

Trước đó, trong đề xuất gửi Chính Phủ, Bộ Y tế đề nghị F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc.

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Hoặc F0 có thể tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tuân thủ 5K.

Đối với F0 làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19 phải có biện pháp phòng hộ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. F0 không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Trong quá trình di chuyển, F0 không được tiếp xúc với người xung quanh; tuân thủ 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Đối với F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

F1 cũng được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F1 không được tiếp xúc với người xung quanh; tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

F1 phải test nhanh kháng nguyên hay PCR vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế theo quy định.

Cùng chuyên mục

Gợi ý 4 nhóm thực phẩm an toàn tốt cho sức khỏe
Trong mỗi bữa ăn hàng ngày rất cần đến sự có mặt đầy đủ của 4 nhóm thực phẩm thiết yếu. Vậy 4 nhóm đó là gì, có vai trò ra sao đối với sức khỏe và nên bổ sung như thế nào, những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có được thông tin cần thiết.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý nước thải, chất thải y tế
Bộ Y tế cho biết, kiểm tra thực tế cho thấy, một số địa phương chưa ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn; một số cơ sở y tế chưa kịp thời tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường thay thế cho Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã hết hạn…

Tin mới

Trẻ cao thế nào ở tuổi dậy thì?
Có thể nói, dậy thì là giai đoạn cuối để con cao. Nếu ba mẹ không tranh thủ giúp con cao trong giai đoạn này, thì sau dậy thì, có tốn bao nhiêu chi phí con cũng không thể cao thêm được.
Quy định về xác minh giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024
Việc xác minh giấy phép lái xe phải thực hiện ngay qua điện thoại hoặc thư điện tử hoặc fax và sau đó gửi bằng văn bản. Khi chưa có kết quả xác minh giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Sở Giao thông vận tải không đổi, không cấp lại hoặc không đưa vào danh sách thí sinh được phép dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
Đề xuất quy định mới về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.