Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 03/11/2020 07:45 (GMT+7)

Đắk Nông: Cần xem xét dấu hiệu phạm tội lừa đảo của Giám đốc Công ty Nam Nhân

Theo dõi GĐ&PL trên

Việc đầu tư xây dựng nâng cấp chợ Quảng Tín (tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) tưởng chừng hết sức giản đơn bỗng trở nên phức tạp, có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định hành vi của bà Lê Thị Hồng – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Nam Nhân (Công ty Nam Nhân) đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Đắk Nông lại hủy bỏ các quyết định của cơ quan Công an, khiến người bị hại “khóc ròng” nhiều năm nay.

Theo đơn thư phản ánh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Phú và bà Đỗ Thị Tình (trú tại thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) phản ánh về việc bị vợ chồng bà Lê Thị Hồng (SN 1972) Giám đốc Công ty Nam Nhân và ông Nguyễn Hữu Lâm (SN 1964) Phó giám đốc (tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) lừa đảo chiếm đoạt số tiền 11.514.706.000 đồng.

Nội dung vụ việc

Đầu năm 2012, UBND huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) có chủ trương xây dựng, nâng cấp chợ Quảng Tín tại xã Quảng Tín lên chợ hạng 3, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của người dân địa phương.

Chợ Quảng Tín tại xã Quảng Tín, huyện Đắk Rlấp, Đắk Nông.

Ngày 09/4/2012, UBND huyện Đắk R’Lấp ban hành Quyết định số 825/QĐ-UBND về việc chỉ định Công ty Nam Nhân làm chủ đầu tư thực hiện dự án nâng cấp chợ Quảng Tín với quy mô 19.846,5m2, với số vốn gần 70.000.000.000 đồng. Trong đó, diện tích đất xây chợ và các hạng mục phụ trợ, hạ tầng giao thông là 11.450,5m2, diện tích xây nhà phố chợ (nhà ở thương mại) là 8.396m2.

Thời điểm đó, bà Hồng và ông Lâm đã thực hiện các thủ đoạn huy động vốn bằng nhiều hình thức để lấy tiền của ông Phú và bà Tình các lần sau:

Ngày 30/8/2013, bà Hồng và ông Lâm đã ký “Hợp đồng vay tiền có biện pháp bảo đảm” với vợ chồng tôi với số tiền vay là 2.500.000.000 đồng để đầu tư xây dựng chợ Quảng Tín, thời hạn vay từ ngày 30/8/2013 đến hết ngày 09/01/2014.

Đến ngày 30/9/2013 bà Hồng và ông Lâm đến vay lần 2 là 600.000.000 đồng, thời hạn vay 60 ngày đến 30/11/2013. Tiếp tục, ngày 13/10/2013, bà Hồng lại nói cần tiền để tiếp tục đầu tư, hoàn tất dự án và nói có Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt – Chi nhánh Bạc Liêu đảm bảo nên yêu cầu ký Hợp đồng góp vốn số 002/2013/HĐGV, với hình thức góp vốn, số tiền là 1.500.000.000 đồng, thời hạn góp vốn là từ ngày 13/10/2013 đến hết ngày 13/12/2013.

Ngày 05/11/2013, bà Hồng và ông Lâm tiếp tục đến đề nghị ký Hợp đồng góp vốn xây dựng chợ Quảng Tín lần thứ 4 với ông Phú và bà Tình, số tiền 300.000.000 đồng, thời hạn thanh toán chậm nhất là ngày 05/12/2013.

Ngoài ra, theo ông Phú và bà Tình thì bà Hồng và ông Lâm còn mượn thêm 4 lần khác vào ngày 21/11/2013, ngày 03/12/2013, ngày 19/02/2014 và ngày 22/02/2014, với tổng số tiền là 800.000.000 đồng.

Qua tìm hiểu, ngày 12/9/2014, bà Hồng và ông Lâm đã ký Giấy nhận nợ với vợ chồng ông Phú và bà Tình số tiền là 7.999.706.000 đồng. Nội dung ghi rõ “hẹn trong tháng 11/2014 sẽ hoàn trả 10 lô đất phố Chợ Quảng Tín (tương đương 3.000.000.000 đồng) và trả tiền mặt số còn lại”. Đặc biệt, không dừng lại, bà Hồng và ông Lâm tiếp tục sử dụng thủ đoạn dưới hình thức ký “Hợp đồng thỏa thuận mua bán Kiot” tại dự án chợ Quảng Tín, cụ thể: Ngày 15/6/2016, bà Lê Thị Hồng lấy chức vụ Giám đốc Công ty Nam Nhân ký Hợp đồng số 70/2016/KIỐT-CQT bán 16 Kiot cho ông Phú và bà Tình trị giá là 4.950.000.000 đồng. Đến các ngày 06/8/2016, ngày 08/8/2016 bà Hồng đã cầm số tiền 3.515.000.000 đồng và cam kết sẽ chuyển nhượng 16 Kiot chậm nhất vào ngày 09/8/2016.

Đến thời điểm này, theo hồ sơ thì bà Lê Thị Hồng đã cầm tổng số tiền là 11.514.706.000 đồng mà không thực hiện bất kỳ cam kết, thỏa thuận nào cho vợ chồng ông Phú và bà Tình.

Bà Lê Thị Hồng và ông Nguyễn Hữu Lâm đã làm Giấy nhận nợ (ngày 12/9/2014) với ông Nguyễn Văn Phú và bà Đỗ Thị Tình số tiền là 7.999.706.000 đồng và hẹn trong tháng 11/2014 sẽ hoàn trả.

Công an xác định có dấu hiệu phạm tội lừa đảo

Lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong công tác quản lý, đầu tư và kinh doanh chợ Quảng Tín, ngay sau khi được UBND huyện Đắk R’Lấp đồng ý cho Công ty Nam Nhân làm chủ đầu tư, bà Lê Thị Hồng và chồng là ông Nguyễn Hữu Lâm đã dùng đủ mọi cách để “huy động vốn” nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bằng hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất nền nhà ở thương mại) với số tiền nhiều tỷ đồng, điển hình như vụ việc này.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, “do không trả nợ và hiện nay vợ chồng bà Hồng và ông Lâm đã bỏ trốn khỏi địa phương, trụ sở công ty cũng không còn, nên chúng tôi đã nhiều lần viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tố cáo về hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công dân có giá trị lớn và gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, lúc đầu phía cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông xác định tội danh của bà Hồng và đã bắt bà Hồng để điều tra, nhưng không biết lý do gì mà lại thả bà Hồng, khiến người dân chúng tôi không biết kêu ai”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hải – Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp cho biết: “Bà Lê Thị Hồng là Giám đốc Công ty Nam Nhân hiện hộ khẩu thường trú vẫn ở tại địa phương, tuy nhiên đã rất là lâu rồi từ năm 2018 đến nay không còn sinh sống ở đây. Phía thanh tra tỉnh, huyện mời bà Hồng rất nhiều lần về làm việc liên quan đến việc có đơn khiếu kiện, tranh chấp tồn tại ở chợ thì bà ấy không về – địa phương không liên lạc được nữa. Toàn bộ tài sản còn lại ở Chợ Quảng tín thì bà thì đã thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quốc dân”.

Còn về hoạt động của Công ty Nam Nhân, bà Thị H’Lêu – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín xác nhận: “Công ty đã không còn, bây giờ thay bằng một công ty khác (có tên là Công ty TNHH dây thép không gỉ HONG YUE – PV). Ngoài ra, trên địa bàn còn rất nhiều người cũng bị bà Hồng vay tiền không trả”.

Qua tìm hiểu, sau khi tiếp nhận đơn của ông Phú, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông xác định: “Theo thỏa thuận của các Hợp đồng vay tiền thì sau khi hết thời gian trả nợ bằng tiền thì chuyển sang hình thức là phải giao đất nhà phố chợ cho ông Phú. Tuy nhiên, sau khi đã thỏa thuận với ông Phú thì bà Hồng tiến hành bán lại cho bà Trần Thị An Xuyên (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) và ông Nguyễn Phúc (con rể bà Xuyên). Sau khi bán cho họ, lại mang toàn bộ đi thế chấp cho Ngân hàng TMCP Quốc dân – Chi nhánh Bình Phước mà không thực hiện đúng cam kết là đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Do vậy, ngày 03/11/2015 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 47; Quyết định khởi tố bị can số 134; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 46; Lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc số 27 đối với bà Lê Thị Hồng – Giám đốc Công ty Nam Nhân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định Điều 139 và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Thông báo số 107 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khẳng định hành vi của bà Lê Thị Hồng – Giám đốc Công ty Nam Nhân đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định tố tụng

Sau quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh Đắk Nông để đề nghị truy tố bà Lê Thị Hồng – Giám đốc Công ty Nam Nhân. Tuy nhiên, ngày 26/01/2016, VKSND tỉnh Đắk Nông đã quyết định hủy bỏ các quyết định tố tụng nêu trên của cơ quan CSĐT vì cho rằng hành vi của bà Hồng mặc dù có yếu tố gian dối nhưng chưa có ý thức chiếm đoạt. Do đó, hành vi của bà Hồng chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 và Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Sau đó, ông Phú tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, ngày 18/11/2016 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông trả lời đơn tố cáo của ông Phú có nội dung hoàn toàn khác so với điều tra ban đầu: “Quá trình thỏa thuận, vay mượn tiền giữa bà Hồng, ông Phú không có yếu tố gian dối để chiếm đoạt tài sản, vì vậy tranh chấp về việc mượn tiền giữa ông Phú và bà Hồng không có dấu hiệu tội phạm mà chỉ là tranh chấp dân sự về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT, đề nghị ông Phú làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án nhân dân Đắk R’Lấp để giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Tương tự như vậy, theo văn bản do Đại tá Nguyễn Tường Vũ – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông ký trả lời Tạp chí Luật sư Việt Nam, cho biết: “Quá trình thực hiện dự án xây dựng chợ Quảng Tín bà Lê Thị Hồng có vay của ông Nguyễn Văn Phú số tiền 9,7 tỷ đồng, sau khi hết thời hạn thỏa thuận bà Hồng chưa thực hiện trả nợ,… Qua xác minh, bà Hồng không có dấu hiệu phạm tội mà chỉ là giao dịch dân sự”.

Đến tháng 11/2016, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông lại có văn bản trả lời ông Phú cho biết, bà Hồng không có dấu hiệu phạm tội mà chỉ là tranh chấp dân sự – khác so với thời điểm ban đầu điều tra vụ việc.

Trao đổi sơ bộ với PV, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện tại, vụ án này do phòng 1 quản lý, vụ án đã được Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố và chuyển sang viện kiểm sát phê chuẩn, song viện kiểm sát hủy bỏ các quyết định khởi tố vì không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm hình sự. Nếu giai đoạn này đủ yếu tố thì sẽ tiếp tục yêu cầu Công an làm, còn cụ thể vụ việc, Viện sẽ có buổi làm việc cung cấp cho báo chí”.

Luật sư Vũ Thị Tuyết Mai (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “Khi được làm chủ đầu tư xây dựng chợ Quảng Tín, ngay từ ban đầu bà Lê Thị Hồng và ông Nguyễn Hữu Lâm lợi dụng là giám đốc, phó giám đốc của công ty đi huy động vốn của cá nhân bằng các hình thức “góp vốn, vay tiền, bán đất,…” đã có ý thức nhằm lấy tiền để thực hiện dự án, thể hiện năng lực kinh tế của Công ty Nam Nhân không đủ nguồn lực kinh tế thi công dự án này. Bên cạnh đó, khi hết thời gian thỏa thuận mà bà Hồng và ông Lâm vẫn không thực hiện theo cam kết với ông Phú, còn có hành vi bán các lô đất mà trước đó đã ký thỏa thuận với ông Phú cho người khác, mặt khác, còn mang đi thế chấp ngân hàng.

Trụ sở của Công ty Nam Nhân đã không còn.

Hơn nữa, hiện nay, gia đình người bị hại không liên lạc, tìm được chỗ ở của vợ chồng bà Hồng, trụ sở công ty thì không còn. Như vậy, có thể thấy, hành vi của vợ chồng bà Hồng và ông Lâm với gia đình ông Phú không còn là giao dịch dân sự mà đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”quy định tại Điều 139 và Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999. Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Nông cần sớm phục hồi điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm rõ hành vi của các đối tượng đang có dấu hiệu lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Như vậy, hiện nay bà Hồng và ông Lâm đã đi khỏi địa phương, trụ sở công ty cũng không còn. Từ những viện dẫn trên, đề nghị Thanh tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sớm xem xét, thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Nông, xử lý dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các đối tượng lợi dụng dự án, pháp nhân của Công ty Nam Nhân.

Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự được hiểu thế nào?
Dấu hiệu pháp lý của tội này phải là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, hành vi này có thể gồm hai hành vi khác nhau là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt, giữa hai hành vi này có quan hệ mật thiết với nhau, hành vi lừa dối là điều kiện còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi lừa dối.
Thứ nhất, hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Người phạm tội biết đó là giả nhưng vẫn đưa ra và mong muốn người khác tin đó là sự thật, hành vi lừa dối được thực hiện là nhằm mục đích chiếm đoạt, hành vi lừa dối mà nhằm mục đích khác thì không phải phạm vào tội này.
Thứ hai, hành vi chiếm đoạt có hai hình thức thể hiện: Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối. Khi nhận được tài sản thì người phạm tội đã làm chủ được tài sản chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất khả năng làm chủ tài sản đó trên thực tế. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản coi như đã hoàn thành tại thời điểm đó; Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối. Lúc này người phạm tội đã làm chủ được tài sản bị chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất tài sản đó. Tội lừa đảo coi như đã hoàn thành tại thời điểm đó.

ĐOÀN VĨNH

Cùng chuyên mục

Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…
Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: Cần xử lí nghiêm hành vi quan hệ bất chính của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình
Bà Ngô Thị Đào, 74 tuổi, ở thôn Thiên Bình, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng tố cáo: Ông Bùi Văn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình đã có vợ con nhưng có hành vi quan hệ bất chính với con dâu bà là chị Lưu Thị T, đảng viên, công chức Văn phòng HĐND và UBND xã Nghĩa Bình...

Tin mới

Mùa hè bùng nổ của cư dân Ocean City với loạt trải nghiệm "du lịch tại chỗ" siêu hấp dẫn
Mùa hè năm nay được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn năm trước. Thay vì xách vali đi “đổi gió” tại các thành phố biển như Nha Trang, Phú Quốc... nhiều cư dân Ocean City lại chọn “du lịch tại chỗ”. Níu chân họ là một loạt lễ hội, sự kiện sôi động, chuỗi tiện ích được nâng tầm, ngay dưới thềm nhà.
Mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID
Tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID và đề xuất ban hành các quy định liên quan.