Đặc phái viên LHQ: Afghanistan bên bờ vực thảm họa nhân đạo
Afghanistan đang 'bên bờ vực của một thảm họa nhân đạo' và nền kinh tế sụp đổ của nước này đang gia tăng nguy cơ chủ nghĩa cực đoan.
Theo bà Deborah Lyons, LHQ ước tính rằng 60% trong số 38 triệu người Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Và thực trạng này có thể leo thang khi tình hình thiếu lương thực có thể sẽ khẩn cấp hơn trong mùa đông. Bà cho biết GDP của nước này ước tính đã giảm 40%.
Tê liệt hệ thống ngân hàng và tài chính
Tuy nhiên, phát biểu với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bà Deborah Lyons nói rằng thảm họa nhân đạo này "vẫn có thể ngăn ngừa được". Theo bà, một nguyên nhân lớn của vấn đề này chính là các lệnh trừng phạt tài chính đối với Taliban, lực lượng tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước vào ngày 15/8. Các lệnh trừng phạt này "đã làm tê liệt hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế", theo bà Lyons.
9 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan, phần lớn đang nằm tại hệ thống tài chính Mỹ, đã bị đóng băng sau sự sụp đổ của chính phủ cũ. Afghanistan từng dự kiến tiếp nhận khoảng 450 triệu USD vào ngày 23/8 từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng IMF đã tạm dừng quá trình này do sự "thiếu rõ ràng" về việc xây dựng một chính phủ mới.
Bà Lyons cho biết "sự tê liệt của ngành ngân hàng sẽ đẩy hệ thống tài chính vào xu hướng thực hiện các hoạt động trao đổi tiền không chính thức, điều không kiểm soát được." Bà nói, điều đó "chỉ giúp tạo thêm điều kiện cho khủng bố, buôn bán người và buôn lậu ma túy". Những điều này sẽ làm suy yếu Afghanistan trước tiên và sau đó sẽ "lan sang khu vực".
Bà Lyons cũng dự đoán một "diễn biến tiêu cực lớn" là Taliban không có khả năng ngăn chặn sự bành trướng của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhóm này hiện dường như có mặt ở gần như tất cả các tỉnh và ngày càng hoạt động mạnh mẽ. Bà nói, số vụ tấn công do IS gây ra đã tăng đáng kể từ 60 vụ năm ngoái lên 334 vụ trong năm nay.
Bà Lyons cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách hỗ trợ tài chính cho người dân Afghanistan, những người theo bà chia sẻ là đang "cảm thấy bị bỏ rơi, bị lãng quên và bị trừng phạt bởi những hoàn cảnh không phải lỗi của họ. Việc bỏ rơi họ "sẽ là một sai lầm lịch sử". "Chúng ta phải tập trung trong ba hoặc bốn tháng tới để giúp đỡ những người Afghanistan dễ bị tổn thương nhất trong mùa đông," Lyons chia sẻ.
Bà nói thêm: "Cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tìm cách hỗ trợ tài chính cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện nhà nước, các nhân viên trong các chương trình an ninh lương thực, và cuối cùng là cho các giáo viên đang hỗ trợ các trẻ em gái giành quyền được học hành".
Bà cũng đảm bảo với các thành viên HĐBA rằng Liên hợp quốc sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo các khoản tiền sẽ không bị chuyển hướng sang Taliban hoặc do Taliban sử dụng.
Taliban chưa thoát sự cô lập
Phó đại sứ Mỹ Jeffrey DeLaurentis lên tiếng chỉ trích Taliban vì đã phớt lờ lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế trong việc tiến tới một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột ở Afghanistan. Thay vào đó, lực lượng này chọn chiến thắng trên chiến trường. Ông nói: "Và chúng ta đang thấy những hậu quả khủng khiếp của sự lựa chọn này đang diễn ra trước mắt.
DeLaurentis nói: "Nhưng người dân Afghanistan không phải là đối tượng bị trừng phạt gấp đôi cho quyết định của Taliban". Ông cũng cho biết Mỹ đang là nhà tài trợ nhân đạo lớn nhất cho Afghanistan, với khoản viện trợ 474 triệu USD được cung cấp vào năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước khác tăng cường hỗ trợ.
Lyons cho biết bà đang tiếp tục nêu ra các vấn đề khó khăn với Taliban, bao gồm kêu gọi khôi phục quyền cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như các dân tộc thiểu số và hướng tới một chính quyền toàn diện hơn.
Bà nói, thành phần của nội các Afghanistan "vẫn hoàn toàn là nam giới, chủ yếu là người Pashtun và gần như toàn bộ Taliban, ở cả cấp thủ đô và cấp tỉnh". Các cuộc bổ nhiệm gần đây tiếp tục "được thiết kế nhiều hơn để thưởng cho các chiến binh hơn là thúc đẩy quản trị và hòa nhập".
Chính quyền Taliban chưa được bất kỳ quốc gia nào hoặc Liên hợp quốc công nhận. Vị trí của Afghanistan tại Liên hợp quốc vẫn do đại diện của chính phủ tiền nhiệm, Đại sứ Ghulam Isaczai, nắm giữ.
Ông Isaczai nói với hội đồng rằng Afghanistan đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử". Ông nói: "Cuộc sống và phẩm giá của hàng triệu người Afghanistan đang bị đe dọa bởi nền kinh tế thất bại, mất an ninh lương thực trầm trọng và không có an ninh, các quyền cơ bản và tự do".
Lyons cho biết có một cách duy nhất để tránh mất đi nhiều kết quả tích cực trong 20 năm qua. Đó chính là Taliban nên tránh việc bị cô lập như trong quá khứ và tham gia vào đối thoại chính sách với các bên khác của Afghanistan, khu vực và cộng đồng quốc tế. Bà cho biết mục tiêu nên là vạch ra một lộ trình với các bước cụ thể để thiết lập "các mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Afghanistan và thế giới nói chung".