Đà Nẵng: Tiến độ của dự án xử lý rác ở Khánh Sơn vẫn còn trên giấy
Theo ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn phải hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2024, nhưng đến nay tiến độ dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp cuối năm 2021 HĐND thành phố Đà Nẵng diễn ra vào chiều 16/12, nhiều đại biểu HĐND đã bày tỏ sự quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn về tiến độ của dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn.
Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là điểm nóng về môi trường của Đà Nẵng suốt nhiều năm nay. Hiện, tại Khánh Sơn, Đà Nẵng đang đầu tư 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đầu tiên là Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 650 tấn/ngày đêm, có sẵn của Công ty CP Môi trường Việt Nam, đã được triển khai từ năm 2012 nhưng đến 2015 thì thất bại vì công nghệ không phù hợp. Sau đó, do áp lực về việc xử lý rác tại thành phố, Đà Nẵng đã cho phép công ty này nâng cấp công nghệ.
Còn dự án thứ 2 là Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày đêm. Điều đáng nói là sau nhiều lần cam kết tiến độ, nhưng đến thời điểm hiện tại thì dự án nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm tại Khánh Sơn vẫn còn dừng ở giai đoạn giải quyết thủ tục.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Anh Thi đã đặt câu hỏi về thời gian hoàn thành dự án xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn. Cũng theo Đại biểu này, liệu trong trường hợp năm 2023 dự án hoàn thành thì bãi rác Khánh Sơn còn đủ sức chứa hay không?
Trả lời chất vấn, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, hiện bình quân lượng rác thải thu gom tại Đà Nẵng là 1.100 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác đạt khoảng 95% và được xử lý theo phương pháp truyền thống là chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn.
Hiện, Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị đã đưa vào vận hành Dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn với quy mô thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 2 triệu tấn. Tháng 5/2021, ban này cũng đưa vào vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 để đảm bảo thu gom toàn bộ nước rỉ rác với công suất 1.750m3/ngày.
Theo ông Hùng, hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt sẽ phát sinh qua từng năm bình quân khoảng 350 - 380 ngàn tấn/năm. Với mức phát sinh chất thải rắn hiện tại và khả năng phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch Covid-19 thì năng lực vận hành xử lý, chôn lấp rác hợp vệ sinh đối với dự án tại Khánh Sơn dự kiến đến cuối năm 2024, nếu có thể kéo dài thì chỉ đến đầu năm 2025. Với mốc thời gian đã đặt ra trong năng lực chôn lấp của bãi rác thì chắc chắn 2 nhà máy xử lý rác thải trên phải được triển khai xây dựng và vận hành sớm nhất trong năm 2024.
Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng cho biết thêm, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm là dự án xử lý rác thải lần đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Qua nghiên cứu các luật định và phân tích cho thấy, để triển khai được dự án này theo hình thức PPP có 20 nhiệm vụ. Đến nay, Đà Nẵng đã triển khai được 10 nhiệm vụ và đang ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
“Các sở ngành của Đà Nẵng đang tiếp cận dự án này với tinh thần rất khẩn trương, vì mốc thời gian phải dừng việc chôn lấp rác chậm nhất đến đầu năm 2025. Dự án này phải được triển khai các bước trong năm 2022”, ông Tô Văn Hùng nói.
Còn dự án xử lý rác thải 650 tấn/ngày đêm, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định, có tất cả 14 thủ tục thì hiện chủ đầu tư đã thực hiện xong 10 thủ tục và 4 thủ tục còn lại chỉ được thực hiện khi phải xong thủ tục liên quan chủ trương đầu tư.
Trước thắc mắc của Đại biểu Huỳnh Bá Thành: Lần thứ 1, dự án xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn cam kết hoàn thành trong năm 2020 và lần thứ 2 cam kết hoàn thành năm 2023. Lần thứ 3 cam kết phải xong trong năm 2024. Vậy, liệu có lần thứ 4 cam kết tiến độ nữa không?
Ông Tô Văn Hùng cho biết, với trách nhiệm của ngành “đứng mũi chịu sào” thì mạnh dạn cam kết lần này dự án sẽ xong trong năm 2024, tuy nhiên cần phải có sự chung tay góp sức của nhiều sở ngành khác.