Đà Nẵng hướng tới hình mẫu đô thị du lịch hàng đầu châu Á
Sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng sự đầu tư lớn cho hạ tầng, Đà Nẵng đang vươn mình trở thành đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và châu lục.
Tiềm năng hội tụ
Bảng xếp hạng các thành phố hấp dẫn và hút khách nhất thế giới có một điểm chung: sự xuất hiện của những điểm đến hiện đại, sầm uất với chất lượng dịch vụ vượt trội.
Nếu không phải là các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lâu đời như London, Paris, New York…để lọt vào danh sách, mọi thành phố cần trở thành đô thị du lịch có sức hút riêng như Bangkok, Singapore hay Dubai... Nơi vừa đem lại cho du khách trải nghiệm khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa, song vẫn cung cấp hệ thống hạ tầng dịch vụ đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu. Tại Việt Nam, Đà Nẵng đang nắm giữ lợi thế để theo đuổi hướng đi này đồng thời đặt mục tiêu phát triển thành đô thị du lịch tầm châu lục.
Sở hữu nhiều thắng cảnh vạn người mê, thiên nhiên trù phú với địa hình ôm trọn sông, núi, biển, lại thêm bệ phóng của cuộc cách mạng về quy hoạch đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng, thành phố sông Hàn giờ đây chễm chệ ở “vị trí” top đầu trên bản đồ du lịch Việt.
Từ “thân phận” điểm trung chuyển để đi Huế, Hội An, Đà Nẵng đã trở thành gương mặt thân quen trên những bảng xếp hạng danh giá về du lịch của thế giới, với hành trình ấn tượng. Tất cả được bắt đầu kể từ khi thành phố này thu hút thành công những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu để đầu tư cho hạ tầng du lịch.
Từ những nhịp cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hàn đến cây Cầu Vàng làm khuynh đảo truyền thông thế giới, Đà Nẵng đã khoác lên mình diện mạo mới, diện mạo của một đô thị du lịch đang vươn tới tầm châu lục. Trước dịch bệnh, Đà Nẵng từng đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế/năm. Còn 7 tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với hơn 1,1 triệu lượt khách ngoại ghé thăm, gấp 7,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ giai đoạn này ước đạt hơn 4,32 triệu lượt.
Giới chuyên gia đánh giá, Đà Nẵng dù có sự khởi đầu muộn nhưng đã đi rất nhanh, rất xa và sớm hoàn thiện hạ tầng du lịch, để sở hữu điều mà mọi điểm đến ao ước. Đó là các khu du lịch đặc sắc, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, sự kiện, lễ hội, định vị sâu trong tâm trí du khách như: Bà Nà Hills, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, công viên châu Á - Asia Park, Khu du lịch núi Thần Tài, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF…
Để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu lượt khách tới đây mỗi năm là hệ thống cơ sở lưu trú ngày một nâng cấp về số lượng, quy mô, kiến trúc, dịch vụ tiện nghi. Đà Nẵng về đêm không chỉ lung linh với những cây cầu, du thuyền bên sông mà còn rực rỡ trong ánh đèn tòa cao ốc, khắp đường phố là tấp nập các cửa hàng, dịch vụ. Đặc biệt, Đà Nẵng của mùa hè 2023 như thành phố không ngủ bởi những đêm pháo hoa rộn ràng của DIFF 2023.
Cuộc “cách mạng lần thứ 2”
Nếu gọi tên cho từng giai đoạn phát triển của Đà Nẵng, giai đoạn qua giống như bước nhảy vọt đưa Đà Nẵng từ “điểm trung chuyển” trên con đường di sản trở thành trung tâm du lịch của Việt Nam. Giờ đây, thành phố sông Hàn đang bước vào cuộc cách mạng về hạ tầng lần thứ 2 với sự nâng cấp toàn diện cho những trải nghiệm du lịch để xứng tầm với vị thế là tâm điểm của du lịch khu vực.
Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối toàn bộ các vùng miền của Việt Nam và khu vực ra quốc tế qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt và cả đường biển. Nhìn rộng ra, thành phố sông Hàn cũng chính là tâm điểm của Đông Nam Á.
Tại đây, bên cạnh thiên nhiên tuyệt sắc, hạ tầng dịch vụ cứng, Đà Nẵng còn là vùng đất của sự kiện, lễ hội sôi động quanh năm. Chỉ trong vòng 5 năm, 2 lần được WTA vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” đã chứng minh cách làm mới mẻ để mở ra trải nghiệm du lịch khác biệt cho Đà Nẵng.
Việc tiếp tục đầu tư để tạo nên những sản phẩm du lịch mới độc đáo, đặc sắc, phát triển kinh tế đêm đang mở ra “chân trời mới” để Đà Nẵng thu hút thêm dòng khách quốc tế. Một Bà Nà Hills vốn chưa bao giờ hết “hot” trong bất cứ tour tuyến du lịch nào, vẫn liên tục được bổ sung công trình mới như Lâu đài Mặt Trăng, Quảng trường Nhật thực, Thác thần mặt trời, các show diễn nghệ thuật độc đáo quanh năm... Tới đây còn là quyết định quy hoạch đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình đẳng cấp, quy mô lên tới trên 39 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, tại nội đô, những lễ hội âm nhạc, ánh sáng, carnival đường phố hay gần đây là không gian check-in tại triển lãm ảnh WOW Đà Nẵng khu vực cầu Rồng… đã góp phần điểm tô sức sống cho một đô thị du lịch chuyên nghiệp.
Từ nội lực của du lịch Đà Nẵng, cùng kết nối vô cùng thuận lợi với các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, Mỹ Sơn, Huế,… đã tạo ra những tour du lịch dài ngày hấp dẫn, biến Đà Nẵng thành điểm không thể bỏ lỡ của du khách châu Á khi khám phá Việt Nam hay cả Đông Nam Á.
Cú bùng nổ trong tương lai gần
Theo các chuyên gia, tương lai Đà Nẵng được định hình trở thành đô thị du lịch biển tầm cỡ châu lục, và đây là hướng đi xứng tầm.
Nhằm phát triển ngành mũi nhọn phù hợp với thực tế địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã hoàn thiện Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định triển khai 12 định hướng và 11 nhóm giải pháp nhằm đầu tư, phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch giai đoạn tới.
Tại Kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND thành phố khóa X diễn ra vào sáng 24/3, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều nội dung quan trọng.
Theo quy hoạch này, thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế miền Trung. Tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là “Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột du lịch”.
Với tiềm năng hội tụ và quy hoạch tầm cỡ, Đà Nẵng được đánh giá sẽ là thiên đường của hệ thống dịch vụ du lịch, mang đến cơ hội đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch hấp dẫn với dư địa cực lớn và gia tăng theo thời gian để đáp ứng yêu cầu phát triển.