Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 05/11/2022 16:33 (GMT+7)

Cổ Đạm - Nghi Xuân, một cái nôi ca trù

Theo dõi GĐ&PL trên

Làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thực đã có đền thờ tổ Ca Trù, thực đã có một giai lệ về việc hát ca trù và hiện nay vẫn còn những nghệ nhân biết hát múa mà cụ Khánh là tiêu biểu.

Ca trù còn gọi là hát ả đào, hát nhà tơ, hát nhà trò, hát cô đầu, hát cửa đình, hát cửa quyền và nhiều tên gọi nữa do tính chất và không gian diễn xướng diễn ca khác nhau mà được gọi tên khác nhau. Hát trong cung vua, phủ chúa, dinh thự quan lại thì gọi là hát cửa quyền, hát ở đình làng nông thôn thì gọi là hát cửa đình, hát ở lầu xanh thì gọi là hát cô đầu v.v...

Theo nhiều tài liệu thì ca trù xuất hiện rất sớm. Từ thời Đinh Tiên Hoàng với ca nữ họ Trịnh và của bà Phạm Thị Trân, đến thời Lý Nhân Tông thì hát múa đã phát triển. Chế Thắng phu nhân là một đào nương được Trần Duệ Tông phong làm phi hậu. Chiêu văn vương Trần Nhật Duật sáng tác điệu múa “Bài bông”.

Đến thời Lê thì ca trù đã phát triển rực rỡ. Sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi tổ chức ăn mừng bằng hội “Bình Ngô phá trận nhạc” và giao cho Nguyễn Trãi, Lương Đăng thẩm định đâu là nhã nhạc, đâu là tục nhạc, đặt quy chế giáo phường, quản giáp, biên chế đội ngũ ca công, dàn nhạc đồ sộ, đầy đủ cả trống chiêng, cổ phách, sáo, tiêu, đàn đáy, trống chầu, trống cơm, trống mảnh, sinh tiền v.v...

Khi ca trù ra nhà riêng, ca quán thì biên chế tinh gọn đến mức chỉ có một cây đàn đáy còn phách do đào nương vừa hát vừa gõ, trống chầu thì do quan viên sử dụng... Trong khi biểu diễn, những đào kép đàn ngọt hát hay được chức sắc thưởng cho những thẻ tre. Sau cuộc hát cứ theo số thẻ mà lĩnh tiền thưởng. Chữ Hán “trù” nghĩa là thẻ. Có lẽ vì thế mà gọi là ca trù!

ca-tru-1667639897.jpg

Ca trù là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp vừa hát, vừa đàn, vừa múa, vừa ngâm thơ, kể chuyện, làm trò với gần trăm làn điệu. Là nghệ thuật dân gian nhưng âm nhạc ca trù mang nhiều yếu tố bác học, rất khó luyến láy, rất khó đàn, rất khó ký âm và cực kỳ khó học nhưng lại có sức hấp dẫn lôi cuốn lạ thường. Từ giai điệu đến tiết điệu vô cùng độc đáo, uyển chuyển, co giãn, tạo nên những tinh điệu tuyệt vời khiến ai đã nghe hát thì mê, đã đi hát thì say nên thời nào cũng có những giọng ca say đắm, những ngón đàn tinh điệu.

Bởi vậy, ca trù đã phát triển rực rỡ hàng ngàn năm nay trên nhiều vùng từ đồng bằng Bắc bộ đến Kinh đô Huế. Nhiều nơi tự nhận ca trù là của mình bởi trong một hệ thống làn điệu có quan họ, chầu văn, chèo, hát ru, hát dặm v.v...

Một công trình nghiên cứu quy mô mới có thể đề cập đến chuyện đâu là quê hương của ca trù và chắc hẳn cũng không thể giải đáp thỏa đáng. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một vùng đất mà ở đó đã có những huyền thoại, những phong tục và những nghệ nhân làm minh chứng để có thể gọi là cái nôi hay một trong những cái nôi của ca trù.

Làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân tự xa xưa đã có lệ con gái lớn lên trước khi lấy chồng phải đi hát ca trù vài năm đã. Tất nhiên, hát ca trù theo đúng nghĩa của nó, theo phường, có sự quản lý chặt chẽ của trùm phường, quản giáp chứ hoàn toàn không có “chim chuột” lăng nhăng như khi ca trù vào chốn thanh lâu sau này, làm đào nương chứ không làm đào rượu, làm ca nương chứ không làm kỹ nữ. Nhà nào, làng nào có đình đám, đến mời mọc thì các cô mới theo phường đi hát. Làng có nhiều phường, đi nhiều nơi suốt cả dịp tết, mùa xuân, có khi suốt cả năm nếu là phường có đào đẹp kép hay.

Những đào kép thanh sắc tài năng, ngón đàn điêu luyện còn được mời vào tận kinh đô hát cho vua chúa, hoàng cung, nghe gọi là “đào ngự”, “kép ngự”. Điệu “Hổ chúc lai kinh” chính là do “đào ngự” ứng tác để hát dâng vua.

Cả làng đi hát, cả làng biết hát và ảnh hưởng đến những làng khác trong vùng tạo nên một miền ca trù rộng lớn, lan ra tận Vinh, Diễn Châu, Yên Thành và cả Trù, Sen thuộc địa hạt Quỳ Châu... Riêng làng Cổ Đạm, theo các nghệ nhân, có khi có hàng chục nhóm phường đi hát kiếm ăn khắp nơi. Và khi các danh nho khoa bảng, các thế gia vọng tộc tham gia thì quy mô phường hát được cải tổ, làn điệu được mở rộng, thể văn được cách tân hoàn chỉnh.

Lại bộ Thượng thư Nguyễn Khản, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân sau này là những người có công trong việc cải biên sáng tác ca trù. Câu “Án phách tân truyền lại bộ ca” nói về điệu hát do Nguyễn Khản sáng tác, và chưa ai trong lịch sử ca trù viết được nhiều bài hát, đặc biệt là hát nói như Nguyễn Công Trứ. Ông đã nâng “hát nói” thành một thể thơ hoàn chỉnh. Xung quanh ông đã có những giai thoại về hát ca trù mà câu hát chữ của ông:

'Tân nhân dục vấn lang niên kỷ?

Ngũ thập niên tiên nhị thập tam"

(Vợ mới muốn hỏi chồng bao nhiêu tuổi?

Năm mươi năm trước hai mươi ba)

hay câu hát mướn của một danh đào:

"Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên "ứ hự" anh hùng nhớ chăng..."

kể về việc ông ghẹo một cô đào xinh đẹp không mấy ai không biết!

Nhiều sách cho hay Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, một người tài hoa trong làng hát ca trù cũng quê dưới chân Hồng Lĩnh. Chuyện về vế đối “Trời mưa giập tỏi chị hàng hành” của ông, một học trò đối lại rằng “Uống rượu cà riềng anh xứ Nghệ” được ông khen hay, nhưng chê là xược cũng vì xứ Nghệ chính là quê ông vậy!

Chuyện xưa còn kể rằng thuở ấy dưới chân Hổng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ. Chàng học rộng tài cao nhưng không màng đến công danh khoa cử. Có lần đi sâu vào Ngàn Hống, chàng gặp hai vị tiên là Lý Thiết Quái và Lã Đồng Tân giao cho một mẫu gỗ và mảnh giấy vẽ cây đàn, vẽ nhà theo mẫu, chàng đẽo thành cây đàn gọi là đàn đáy, đánh lên chim cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe.

Với cây đàn chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát say đắm lòng người mà ngày nay gọi là ca trù. Ở châu Thường Xuân - Thanh Hóa, viên quan châu Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa tuổi tròn mười tám mà chưa biết nói. Nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái gõ đũa vào mâm theo đúng nhịp đàn. Tiếng đàn đứt, Bạch Hoa cất lên tiếng nói ngợi khen. Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về làng Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng, từ đó đất này thịnh hành lối hát ca trù. Về sau cả hai người đều không bệnh về trời. Dân làng lập đền thờ phong làm tổ sư của lối hát này.

Ở làng Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội cũng có câu chuyện về chàng Đinh Dự và nàng Mãn Đào Hoa gần giống chuyện này. Vì thế họ cũng nhận ca trù là quê hương của họ. Có khi sinh ra nơi này lại phát triển rực rỡ ở nơi khác là chuyện thường tình. Như điệu chầu văn, theo nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, vốn gốc ở Hà Bắc nhưng lại phổ biến ở Nam Hà, dần người Nam Hà ngộ nhận là của mình mà cũng không ai tranh cãi.

Chỉ biết rằng ở Cổ Đạm thực đã có đền thờ tổ Ca Trù, thực đã có một giai lệ về việc hát ca trù và hiện nay vẫn còn những nghệ nhân biết hát múa mà cụ Khánh là tiêu biểu. Huyện Nghi Xuân đã có ý thức phục hồi sinh hoạt này và đã ghi được một cuốn băng. Đó mới chỉ là bước đầu, và còn ít ỏi so với vốn liếng của cha ông. Sở Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh nên có đầu tư đúng mức để sưu tầm đánh giá bằng công tác khoanh vùng địa điểm, xác định lý lịch nghệ nhân, tiến tới tổ chức những hội thảo, những công trình nghiên cứu xứng đáng để giữ gìn và phát triển ca trù.

Có học giả đã nói: Ca trù là một nghệ thuật phong phú, tinh điệu vô song mà tuồng, chèo, quan họ, ca Huế v.v... không một bộ môn nào sánh kịp. Nghệ thuật này đang có nguy cơ mai một trên chính quê hương của nó. Phải làm gì đây hỡi những người con từng được ru trong chiếc nôi huyền diệu này?.

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Người từ 06 tuổi trở lên phải thu nhận sinh trắc học khi làm căn cước
Bộ Công an cho biết, từ ngày 01/7/2024, khi làm thẻ Căn cước, chỉ có trường hợp người dưới 06 tuổi mới không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Các độ tuổi còn lại đều phải thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR
Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.