Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 12/10/2023 07:00 (GMT+7)

Chuẩn mực văn hóa học đường: Cần bắt đầu từ giáo viên

Theo dõi GĐ&PL trên

Thầy, cô giáo luôn là tấm gương trong thực hiện văn hóa học đường, bởi sự thân ái, tôn trọng giữa thầy và trò sẽ giúp cho môi trường giáo dục lành mạnh, họ tạo nên những thế hệ học trò biết yêu thương và có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường, ứng xử thiếu chuẩn mực giữa thầy và trò đã xảy ra. Đây là hồi chuông cảnh báo về văn hóa học đường hiện nay.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Khi giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực

Ngay trong tháng đầu tiên của năm học mới, nhiều vụ bạo lực học đường đã liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương. Báo động hơn, bạo lực không còn giới hạn ở việc học sinh với học sinh mà còn có giáo viên dùng bạo lực với học sinh.

Chỉ vì không mua đúng loại bánh sinh nhật mà cô dặn, một học sinh tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị cô giáo chủ nhiệm (đồng thời là giáo viên phụ trách môn Giáo dục công dân và công tác tư vấn học đường) nắm cổ áo kéo lê tại hành lang lớp học. Thậm chí ngay khi em có biểu hiện sốc, ngất thì những lời chỉ trích từ cô vẫn chưa dừng lại. Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì cũng tại Hà Nội, thầy giáo tiếng Anh, Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất có lời nói và hành động thóa mạ học sinh.

Cả 2 giáo viên này bị đình chỉ giảng dạy và chờ kết luận xử lý. Thầy giáo trên đã xin thôi việc. Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc bạo lực giữa giáo viên với học sinh đã xảy ra trong ngành giáo dục, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của học sinh mà nguy hại hơn là gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo, khiến dư luận bất bình.

Đình chỉ, thuyên chuyển công tác của giáo viên chỉ là giải pháp trước mắt cho vấn đề này. Điều quan trọng là cần tìm rõ nguyên nhân để có các giải pháp căn cơ, phòng ngừa bạo lực học đường từ sớm, từ xa, không để tái diễn vụ việc tương tự.

Thầy Trần Văn Quang, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: Trong giờ học, giáo viên không chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức mà cần biết cách quản lý, xử lý tình huống phát sinh. Với tình huống như học sinh mất trật tự, không làm bài tập về nhà… giáo viên xử lý, nhắc nhở để học sinh học tập nghiêm túc nhưng cũng cần bao dung để các em rút ra bài học cho bản thân, tuyệt đối không được xúc phạm học sinh, nhất là xúc phạm thân thể.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng: Đây là điều đau xót với giáo dục. Mặc dù, ngành đã làm nhiều biện pháp nhưng vẫn xảy ra vụ việc này cho thấy từ sự chuẩn bị để giáo viên nhận thức được đến hành động đúng vẫn có khoảng cách. Nếu để sự việc xảy ra mới thực hiện chế tài là quá muộn vì hầu hết giáo viên khi thực hiện những hành vi này, họ không để ý chế tài đang chờ mình là gì. Do đó, thay vì chế tài thì cần có biện pháp để hạn chế bạo lực học đường.

“Trong bối cảnh xã hội và các mục tiêu giáo dục hiện nay có sự thay đổi, cánh cửa trường học khác trước kia thì phải thay đổi văn hóa trường học theo hướng xây dưng mô hình trường học hạnh phúc. Giáo viên cần chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để những sự việc bạo lực cả về thể chất, tinh thần với học sinh không xảy ra. Nếu giáo viên vẫn giữ mô típ cũ, coi việc phải làm thế học sinh mới ngoan hơn thì đó là sai lầm, đã đến lúc cần thay đổi phương thức giáo dục mới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Giáo viên cũng cần được tham vấn tâm lý

Trên thực tế, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng dễ gặp áp lực tinh thần từ công việc và cần được chia sẻ. Theo nghiên cứu của Học viện Quản lý giáo dục, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Công việc tăng, áp lực căng thẳng nên việc được chia sẻ chính là nhu cầu cần thiết của mỗi giáo viên hiện nay.

Tuy nhiên, tham vấn tâm lý học đường đang chủ yếu giải quyết các vấn đề của học sinh mà hầu như bỏ quên thầy cô. Đây là vấn đề cần được các trường nhìn nhận cấp thiết bởi trường học hạnh phúc chỉ được tạo lập khi cả thầy và trò thực sự được yêu thương, chia sẻ.

Tại mỗi ngôi trường đều có hòm thư để học sinh được gửi gắm những điều muốn nói bất cứ lúc nào… Phòng tham vấn tâm lý học đường cũng luôn rộng cửa để đón học sinh mỗi khi gặp khó khăn, áp lực. Song, việc tham vấn tâm lý cho giáo viên thì gần như không có.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Người giáo viên hạnh phúc mới thay đổi được thế giới. Vấn đề sức khỏe tinh thần được Tổ chức Y tế thế giới lấy làm trọng tâm cho năm 2023.

Với ngành nghề như giáo viên, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần càng quan trọng hơn vì hành vi của họ trở thành tấm gương và ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh. Vì vậy, bảo vệ sức khỏe giáo viên giống như đạo đức nghề nghiệp. Tư vấn học đường không chỉ tập trung cho người học mà phải có thêm chiến lược giúp giáo viên tốt hơn, phụ huynh hạnh phúc hơn, có nguyên tắc ứng xử phù hợp hơn khi đứa trẻ rời trường về nhà. Hiệu trưởng cũng phải hạnh phúc để trở thành thủ lĩnh về tinh thần, để làm giáo viên hạnh phúc thoải mái, học sinh đến trường được yêu thương và an toàn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, nếu vẫn theo quan niệm cũ, giáo viên luôn coi mình đúng để áp đặt trẻ làm theo, không thay đổi hành vi thì học sinh sẽ ngang bướng và có biểu hiện chống đối ngay từ đầu. Giáo viên thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, thể hiện sự thất vọng và bất lực của thầy cô, bột phát thành lời nói giận dữ, không chỉ gây tổn thương cho trẻ về tinh thần mà còn làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của thầy cô, hình ảnh của nhà giáo.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Mỗi thầy cô là một tấm gương về đạo đức, thầy cô hạnh phúc sẽ tạo nên thế hệ học sinh hạnh phúc. Sức khỏe tinh thần tốt là điều kiện tiên quyết giúp giáo viên truyền cảm hứng và lan tỏa năng lượng tích cực đến học trò.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, hiện nay các nhà trường mới chú trọng hỗ trợ tâm lý cho học sinh còn với giáo viên thì chưa nhiều. Trong tương lai, cần có những quy định về hỗ trợ tư vấn tâm lý cho giáo viên, được đưa vào văn bản hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, thiếu kỹ năng ứng xử mỗi khi có tình huống xảy ra chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Vì vậy, tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ thầy cô không chỉ khi đứng trên bục giảng mà ngay khi còn ở giảng đường đại học là việc cần thiết.

Thầy và trò là mối quan hệ rất đặc biệt, bởi không chỉ đơn thuần có sự kết nối về kiến thức mà còn gieo yêu thương, niềm tin, cảm xúc. Vì thế, trường học không thể là nơi để giáo viên dùng bạo lực thể hiện bản thân, giải tỏa áp lực mà phải là nơi những giá trị đạo đức căn bản được thực hiện với hành vi ứng xử chuẩn mực và văn minh./.

Cùng chuyên mục

Hạnh phúc của nghề giáo
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các giáo viên trẻ đã có những chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc khi được gắn bó với nghề cao quý này.

Tin mới

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động là giải pháp quan trọng, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.
Chi phí định cư Canada bao nhiêu tiền?
Chi phí định cư Canada là vấn đề cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng trước khi bắt đầu cuộc sống mới tại quốc gia này. Thực tế, chi phí định cư Canada bao gồm rất nhiều khoản, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, quý vị khó có thể yên tâm trong hành trình an cư Canada. Bài viết dưới đây tổng hợp chi phí định cư Canada cần thiết để quý vị có thể chuẩn bị cho hành trình sắp tới.
Hướng dẫn mới về giấy khám sức khỏe đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng từ 01/01/2025
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.