Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 17/04/2022 07:45 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng

Theo dõi GĐ&PL trên

Chiều 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã điều hành phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (PCBLGĐ).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội dự phiên thảo luận. Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng - Ảnh 1.
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Cần thiết phải sửa đổi Luật

Mở đầu phiên thảo luận, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng - Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi).

Bộ trưởng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật PCBLGĐ đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Tình trạng BLGĐ còn khá phổ biến.

Vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, BLGĐ sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc sửa đổi Luật PCBLGĐ hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Về điểm mới so với bộ Luật hiện hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) tập trung vào cụ thể hóa 3 chính sách: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ; Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ.

Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành.

Đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án PCBLGĐ (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật.

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng - Ảnh 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án PCBLGĐ (sửa đổi

"Thường trực Uỷ ban Xã hội thấy rằng, PCBLGĐ là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều nội dung riêng tư trong mối quan hệ gia đình, được điều chỉnh bởi cả quy phạm đạo đức, tập quán, quy phạm pháp luật... việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện" - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo với tinh thần cầu thị đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng dự án Luật. Theo đó, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ và giải trình các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra nêu ra, hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Quốc hội.

Nhiều quy định đã được chỉnh lý, hoàn thiện

Phát biểu tại phiên thảo luận này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật PCBLGĐ vào đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với vấn đề BLGĐ. Việc này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội khóa XIII của Đảng, bên cạnh với kinh tế phải coi trọng vấn đề về xã hội.

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng - Ảnh 4.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật trình lần này có nhiều quy định đã được chỉnh lý, hoàn thiện dựa trên cơ sở tổng kết từ thực tiễn. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần rà soát để "làm đậm" cả 3 nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLG.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp khi có các vụ việc BLGĐ xảy ra. Đồng thời, rà soát để tương thích, đồng bộ giữa luật này và các luật khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Trẻ em…

"Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) trình lần này có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tác động, tính khả thi để khi bộ Luật ra đời sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong vấn đề PCBLGĐ" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp cận nhiều vấn đề mới

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) trình lần này đã tiếp cận nhiều vấn đề mới.

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng - Ảnh 5.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật. Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ từng vấn đề, nội dung nào hạn chế thuộc về quy định của luật hay do tổ chức thực hiện để có hướng sửa đổi trúng, đầy đủ" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, phạm vi sửa đổi Luật phải bao quát vấn đề PCBLGĐ trong tình hình mới; Khắc phục được những hạn chế vướng mắc của các quy định pháp luật hiện hành; Bảo đảm việc sửa đổi Luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Việc sửa đổi phải đảm bảo tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị BLGĐ và người tham gia PCBLGĐ; Thúc đẩy xã hội hóa để tăng cường sự đóng góp và tham gia, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức cá nhân trong PCBLGĐ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Ủy ban xã hội của Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận này. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự án luật. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội cần tổ chức phản biện dự án Luật để có thêm nhiều ý kiến của tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể.

Chính phủ, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ đồng tình, đánh giá cao đối với dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) trình lần này. Trước khi chủ tọa kết luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu tiếp thu các ý kiến cũng như giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm./.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.