Chiêu trò lừa đảo trong giao dịch bất động sản
Chiêu trò phổ biến nhất của những nhóm người này là chấp nhận “hét” mức giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm để tạo sóng ảo lôi kéo người non kinh nghiệm, hoặc hám lời tham gia.
Mới đây, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã phải ký hàng loạt quyết định về việc huỷ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn sau khi người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền trúng đấu giá theo quy định.
Theo tìm hiểu, những người trúng đấu giá đất tại huyện Quảng Xương thời gian qua đều không phải là người địa phương, những người có nhu cầu mua đất để ở mà chủ yếu là dân đầu tư bất động sản từ nơi khác đến. Những người này tham gia đấu giá và sẵn sàng nâng giá trị của lô đất lên cao cấp nhiều lần so với mức khởi điểm. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá họ không thể tìm được “khách hàng” để sang tay nên đành chấp nhận bỏ khoản tiền cọc trước đó.
Đại diện huyện Quảng Xương cho biết, đối với các lô đất đã đấu giá trên địa bàn nếu người trúng đấu giá không nộp tiền đúng quy định thì huyện sẽ thu về được khoản tiền 100 tỉ đồng tiền cọc.
Tình trạng tham gia đấu giá đất sau đó chấp nhận bỏ cọc tháo chạy xuất hiện phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tại những khu vực ngoại thành trong những cơn sốt đất chớp nhoáng giá trị lô đất bị đẩy lên cao gấp nhiều lần gây sốt ảo.
Tháng 4/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Bắc Giang) phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên tổ chức đấu giá quyền sử dụng 35 lô đất ở tại xã Hương Mai (Việt Yên).
Kết quả, 100% lô đất trúng đấu giá với tổng số tiền gần 50 tỉ đồng, tăng 20,2 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Lô có giá trị trúng cao nhất hơn 2,5 tỉ đồng với diện tích 216 m2 tại khu dân cư Xuân Lạn, vượt so với giá khởi điểm 805 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi trúng đấu giá hàng loạt khách hàng bỏ cọc vì không nộp tiền theo quy định.