Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 22/08/2024 10:16 (GMT+7)

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh sởi

Theo dõi GĐ&PL trên

Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị thì chăm sóc dinh dưỡng với người bệnh sởi rất quan trọng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây lan dễ dàng khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể trở nặng, biến chứng và thậm chí gây tử vong. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi người nhưng phổ biến nhất ở trẻ em.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc. Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng. Ngược lại, trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng thậm chí suy dinh dưỡng nặng. Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý cùng chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng và chữa bệnh sởi.

Uống đủ nước

Chế độ ăn của người bệnh sởi cần chú ý bổ sung đủ nước khoảng 8 ly nước cùng với các chất lỏng khác như nước chanh pha loãng, nước cam, nước dừa. Người lớn cũng có thể dùng trà thảo dược.

Phải cho người bệnh uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Có thể uống nước hoa quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi người bệnh sốt cao, nôn, tiêu chảy cần cho uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.

Protein

Cần cho người bệnh ăn đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt các thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…). Trứng, sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm, sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Vitamin A

Vitamin A có chức năng bảo tồn tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch. Thiếu vitamin A thường xảy ra ở trẻ em được nuôi dưỡng không đầy đủ. Những bệnh nhân này thường có dự trữ vitamin A ở gan rất thấp khi bị nhiễm sởi mặc dù nguyên nhân chính xác còn chưa rõ ràng.

Tác dụng của của vitamin A trong điều trị bệnh sởi lần đầu tiên được báo cáo trong năm 1932. Các nghiên cứu đã xác nhận việc bổ sung vitamin A làm giảm mức độ nặng của các biến chứng (ví dụ tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp) ở bệnh nhân mắc bệnh sởi. Do đó, người mắc bệnh sởi nên tăng cường ăn các sản phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau bina, rau lá xanh…

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh sởi
Bổ sung nhiều vitamin C bằng cách ăn các thực phẩm giàu vitamin như bưởi, cam và chanh rất hữu ích trong trường hợp mắc bệnh sởi - https://suckhoeviet.org.vn/.

Vitamin C

Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Bổ sung nhiều vitamin C bằng cách ăn các thực phẩm giàu vitamin như bưởi, cam và chanh rất hữu ích trong trường hợp mắc bệnh sởi. Nó tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để đối phó với virus và giúp phục hồi nhanh chóng.

Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như: cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, táo, lê và các loại rau như rau ngót, rau giền, rau đay, mồng tơi, rau muống…

Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ uống nước quả chín (từ 1 - 2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C giúp nâng cao miễn dịch.

Kẽm

Kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.

Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ. Nên bổ sung kẽm cho cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của nhân viên y tế bằng đường uống cho trẻ.

Liều bổ sung kẽm: 10mg kẽm/ngày cho trẻ 6 tháng cho đợt điều trị 14 ngày. Người lớn có thể dùng bổ sung 20 - 30mg/ngày trong thời gian mắc sởi. Đồng thời, lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...).

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh tốt nhất.

Lưu ý, không để người mắc bệnh sởi ăn các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói... Cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị nhưng thức ăn cần được cắt, thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh. Đồng thời, thay đổi món ăn, chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Cùng chuyên mục

Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.

Tin mới

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ 2025 các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 04 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.