Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 10/08/2024 07:29 (GMT+7)

Châu Phi kêu gọi hành động khẩn cấp ngăn bệnh đậu mùa khỉ lây lan

Theo dõi GĐ&PL trên

Các trường hợp mắc chủng virus đậu mùa khỉ gây tử vong cao hơn đã được xác nhận tại bốn quốc gia ở châu Phi, khiến các quan chức y tế trên toàn thế giới chú ý.

Phát biểu tại cuộc họp báo về sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, Tổng Giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya cho biết tính đến nay đã có ít nhất 16 quốc gia châu Phi ghi nhận ca bệnh. Kể từ tháng 1/2022, khoảng 38.465 ca nhiễm và 1.456 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận. Đặc biệt, trong tuần trước, số ca bệnh mới tiếp tục tăng với 887 trường hợp và 5 ca tử vong.

Dữ liệu từ CDC châu Phi cho thấy trong 10 ngày qua, có thêm 6 quốc gia ở châu Phi ghi nhận sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, trong khi căn bệnh này có nguy cơ lây lan tại 18 nước khác trong khu vực. Lưu ý rằng số ca bệnh đậu mùa khỉ mới được báo cáo trong năm nay tăng 160% so với cùng kỳ năm 2023, ông Kaseya bày tỏ lo ngại về cách thức lây truyền bệnh, chủ yếu lây lan qua đường tình dục. Ông cũng lưu ý việc phát hiện muộn và sự chậm trễ trong việc đưa ra các biện pháp đối phó ở các quốc gia có ca nhiễm là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh lây lan nhanh, bên cạnh các yếu tố như khủng hoảng xã hội và chính trị cũng như biến đổi khí hậu.

Trước tình hình này, Tổng Giám đốc Kaseya nhấn mạnh cần triển khai những biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan hiện nay của căn bệnh nguy hiểm này ở châu Phi. Ông cũng lưu ý Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN).

Chủng virus 'chết chóc' hơn của đậu mùa khỉ đang gây lo ngại

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã lên tới hơn 14.000 trường hợp và và 511 ca tử vong. Đậu mùa khỉ còn lây lan sang bốn quốc gia láng giềng CHDC Congo là Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Cả 4 quốc gia này trước đây chưa từng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ.

Các quan chức WHO ngày 7/8 cho biết họ có kế hoạch sớm triệu tập một ủy ban khẩn cấp để xác định liệu đợt bùng phát dịch này có phải là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu hay không.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 7/8 đã ban hành cảnh báo y tế và khuyến nghị rằng các bác sĩ duy trì chỉ số nghi ngờ cao về đậu mùa khỉ ở những người gần đây đã đi du lịch CHDC Congo hoặc các quốc gia láng giềng.

Đậu mùa khỉ là căn bệnh do virus gây ra, có thể lây lan giữa người và động vật bị nhiễm bệnh. Theo WHO, đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc gần như chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục, cũng như qua các đồ dùng như khăn trải giường, quần áo và kim tiêm. Các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban gây đau, đau đầu, đau cơ và lưng, mệt mỏi và hạch bạch huyết sưng to. Trong nhiều thập niên, căn bệnh này chủ yếu được ghi nhận ở Trung và Tây Phi, nhưng nó cũng bắt đầu lây lan đến châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2022.

Đậu mùa khỉ có hai nhánh gene di truyền, I và II. Nhánh II đã gây ra dịch lan rộng trên toàn cầu từ năm 2022. Nhánh Ib, đã lưu hành ở CHDC Congo trong nhiều năm, gây ra bệnh nghiêm trọng hơn và là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát hiện nay ở quốc gia này. Mặc dù nó có nguy cơ gây tử vong cao hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy nó dễ lây truyền hơn.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 7/8 cho biết tính từ tháng 1/2023, CHDC Congo ghi nhận 22.000 trường hợp nghi ngờ mắc nhánh I của đậu mùa khỉ với 1.200 người tử vong.

WHO tiếp tục khuyến cáo tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ cho những người tiếp xúc với người bệnh hoặc có nguy cơ cao mắc virus. Hai quốc gia trong khu vực châu Phi là Nigeria và CHDC Congo, đã chấp thuận sử dụng vaccine phòng đậu mùa khỉ cho mục đích khẩn cấp.

Ông Tedros cho biết việc ngăn chặn lây lan đậu mùa khỉ sẽ cần phản ứng toàn diện và mang tầm quốc tế. WHO cũng đã kêu gọi hỗ trợ và hợp tác quốc tế để chế ngự dịch bệnh.

Cùng chuyên mục

Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt bắt đầu triển khai tại Gaza
Cơ quan y tế ở Gaza cho biết chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt được khởi động tại vùng lãnh thổ này vào ngày 31/8, trong khi một nhân viên cứu trợ thông báo đợt triển khai trên diện rộng sẽ bắt đầu vào ngày 1/9. Lực lượng của Israel và Hamas trước đó đã nhất trí tạm dừng giao tranh để tạo điều kiện cho hoạt động y tế này.

Tin mới