Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 20/03/2025 17:22 (GMT+7)

Cảnh báo sốt đất ảo từ thông tin sáp nhập tỉnh, thành

Theo dõi GĐ&PL trên

Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS song nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo.

tm-img-alt
Một khu vực tại Phú Thọ đang có thông tin sốt đất ảo, Sở Xây dựng tỉnh này phải cảnh báo để nhà đầu tư cẩn trọng.

VARS cho biết, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, thành, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, lượng giao dịch chỉ tăng trưởng tại các tỉnh, thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có mặt bằng giá bất động sản (BĐS) chưa quá cao.

Diễn biến này không “mới” với thị trường BĐS Việt Nam. Lịch sử thị trường cho thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý FOMO (sợ bỏ lại phía sau) của nhà đầu tư. Trước các thông tin này, họ tỏ ra khẩn trương và vội vàng hơn trong các quyết định “xuống tiền”. Với niềm tin mạnh mẽ rằng, sự thay đổi chắc chắn sẽ kéo theo việc phát triển kinh tế, xã hội, cùng với đó là giá của BĐS cũng tăng theo.

Ở thời điểm hiện tại, quyết định này còn được thúc đẩy và cộng hưởng bởi dự đoán việc điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới ở các địa phương sẽ gián tiếp đẩy giá đất tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các đợt tăng giá này đều mang tính chất đầu cơ. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan đến quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại các khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh giá BĐS đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy các quyết định vội vàng khi chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin sẽ khiến nhà đầu tư phải đối diện với nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, không đủ lực “trụ” đến khi giá BĐS thật sự tăng.

Đơn cử như khi thông tin về việc lên quận của một số huyện ngoại thành tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh được đưa ra, giá đất lập tức tăng phi mã. Tuy nhiên, nhiều khu vực không có sự đầu tư về hạ tầng đã nhanh chóng rơi vào tình trạng "bong bóng xì hơi", giá quay đầu giảm sau khi cơn sốt qua đi.

VARS cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS. Theo đó, việc sáp nhập có thể sẽ hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, đặc biệt là ở phân nhà ở vừa túi tiền, người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, giá trị BĐS muốn tăng lên một cách bền vững, cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội, ví dụ như việc mở thêm các tuyến đường lớn, metro, trường học hay có khả năng tạo ra dòng tiền từ việc khai thác cho thuê. Những đợt sốt đất chỉ dựa trên “tin tức” mà không đi kèm với các kế hoạch đầu tư phát triển thường có chu kỳ ngắn, tăng nhanh nhưng khó có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Do đó, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất theo tin thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá “kỳ vọng”, đã bị đẩy lên quá cao. Thực tế, sau mỗi đợt sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư mua vào ở đỉnh giá đã phải chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ với thanh khoản kém. Thậm chí, nhiều nhóm nhà đầu tư tự tin có kinh nghiệm “lướt sóng” cũng không ít lần thất bại khi không kịp thời thoát hàng.

VARS khuyến nghị: Để tránh rơi vào những cơn sốt “ảo”, đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng, nhà đầu tư cần tỉnh táo, tránh bị cuốn theo tâm lý đám đông. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng. Việc mua vào khi giá đã tăng mạnh thường đi kèm với rủi ro lớn hơn nhiều so với lợi nhuận kỳ vọng. Những nơi có quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách “thu hút” người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn.

Cùng chuyên mục

Soi những dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam Hà Nội sắp cán đích
Khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội đang vươn mình trở thành một trung tâm mới đầy tiềm năng, nhờ kiến tạo chuỗi hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông đồng bộ và hiện đại. Nơi đây hứa hẹn trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng, giảm tải cho Thủ đô, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chính thức giảm 30% tiền thuê đất năm 2024
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025 quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024. Theo đó, Nghị định quy định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024.
Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu
Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai đã quy định rõ trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu.
Những đối tượng ưu tiên mua nhà ở xã hội không phải bốc thăm
Theo quy định hiện nay, bên cạnh 12 đối tượng được mua nhà ở xã hội, có 05 nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, gồm người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới.

Tin mới

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tham gia bán hàng online
Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân không tham gia mọi hình thức làm nhiệm vụ đặt đơn hàng để kiếm lợi nhuận “tiền hoa hồng” cao; không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân hay căn cước, mã định danh cá nhân, số tài khoản ngân hàng, không cài đặt ứng dụng điện thoại, không truy cập đường link do người lạ cung cấp.