Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 13/11/2024 07:54 (GMT+7)

Hôm nay Quốc hội thảo luận dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Theo dõi GĐ&PL trên

Phiên ngày 13/11, Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Ngày 13/11, các Đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Cụ thể, tại phiên sáng Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước).

Bộ trưởng Bộ GTVT, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Được biết, tổng chiều dài tuyến đường sắt này khoảng 1.541km. Điểm đầu tuyến tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm). Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Quy mô đầu tư của tuyến đường sắt này là xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Hình thức đầu tư là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD).

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Sau đó các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Tại phiên chiều, các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu.

Từ 16 giờ 00, Quốc hội họp riêng về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Đây cũng là phiên cuối cùng của đợt 1. Từ ngày 14/11 đến hết ngày 19/11/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Đợt 02 diễn ra từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024.

Trước đó, ngày 12/11/2024, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ mười chín (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV), buổi sáng dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Từ 08 giờ 00 đến 08 giờ 30: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Từ 08 giờ 30 đến 08 giờ 40: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, trong đó nêu rõ: Phiên chất vấn đối với lĩnh vực y tế đã diễn ra sôi nổi với 41 đại biểu chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây: Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, sẵn sàng cấp phát, hỗ trợ các đơn vị, địa phương. Thứ hai, hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép theo hướng tinh gọn, minh bạch và rút ngắn thời gian.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống quốc gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế khi được Quốc hội thông qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thuốc, vắc xin, thiết bị y tế, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế và phát triển công nghiệp dược. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đúng khi dùng thực phẩm chức năng. Thứ tư, khẩn trương đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Từ 08 giờ 40 đến 11 giờ 30: Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tại phiên chất vấn, các Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tập trung về những nội dung sau: (i) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (ii) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. (iii) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Buổi chiều, từ 14 giờ 00 đến 14 giờ 50: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Từ 14 giờ 50 đến 15 giờ 00: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba, trong đó nêu rõ: Phiên chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn ra sôi nổi với 36 Đại biểu Quốc hội chất vấn, 09 Đại biểu Quốc hội tranh luận. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ TT&TT, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau: Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tôn chỉ nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo báo chí. Kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí. Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số. Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí. Tăng cường đấu tranh, đàm phán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới và các mạng lưới quảng cáo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng. Thứ ba, tiếp tục kiên cố hóa hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã. Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.

Từ 15 giờ 00 đến 16 giờ 20: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, tập trung vào các nội dung: giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; điểm nhấn trong cải cách thể chế; vấn đề chuyển đổi số; tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia; việc xử lý các dự án chậm tiến độ; giải pháp hoàn thành việc xóa nhà tạm, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; vấn đề phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng thể chế quản lý, phát triển không gian mạng...

Cùng chuyên mục

Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi
Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Trong đó, Điều 38. Nghị định quy định rõ về phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi.
Đảm bảo đường sắt cao tốc Bắc - Nam không ảnh hưởng lớn tới nợ công
 Thời điểm này hết sức phù hợp để đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và phải phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không ảnh hưởng lớn tới nợ công. Đó là chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11 của một số đại biểu Quốc hội.

Tin mới

Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi
Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Trong đó, Điều 38. Nghị định quy định rõ về phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi.
Đảm bảo đường sắt cao tốc Bắc - Nam không ảnh hưởng lớn tới nợ công
 Thời điểm này hết sức phù hợp để đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và phải phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không ảnh hưởng lớn tới nợ công. Đó là chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11 của một số đại biểu Quốc hội.
Thành lập công ty trọn gói: Tối ưu và tiết kiệm chi phí
Thành lập công ty, doanh nghiệp là một bước ngoặt quan trọng đối với bất kỳ ai muốn khởi nghiệp hay muốn phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình. Tuy nhiên, việc thành lập một công ty thành công đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo và kiến thức chuyên môn vững chắc. Trong chuyên mục này, hãy cùng tìm hiểu về tầm quan trọng khi thành lập công ty và các giải pháp để thành lập công ty hiệu quả.