Cản trở xe công vụ xử lý thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi cản trở xe công vụ sẽ bị xử lý thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo điểm a khoản 5 Điều 37 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới thì xe công vụ là xe có biển số xe ô tô nền màu xanh, chữ và số màu trắng, là phương tiện giao thông thuộc quyền sở hữu của các đơn vị nhà nước và phục vụ cho mục đích công cộng, hoạt động của đơn vị nhà nước.
Đồng thời, theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 xe công vụ có thể được hưởng quyền ưu tiên khi tham gia giao thông trong trường hợp xe công đang đi làm nhiệm vụ hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp hoặc đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường. Trong trường hợp này khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Trường hợp không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm.
Về xử lý vi phạm hành chính
Theo khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP; đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu có hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể chịu một số hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe (theo khoản 10 Điều 6 Nghị định này).
Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp cản trở xe ưu tiên, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như gây ra thiệt hại về người và tài sản thì người cản đường xe ưu tiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.