Cần làm những xét nghiệm nào để biết có mắc đậu mùa khỉ hay không?
Người nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm từ các nốt phỏng da, dịch đường hô hấp, máu để làm xét nghiệm chẩn đoán.
TS.BS Văn Đình Tráng, Trưởng khoa Vi sinh và Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Để xác định ca bệnh đậu mùa khỉ, chúng tôi sẽ lấy các bệnh phẩm tại là dịch tại các vùng tổn thương, các nốt phỏng da ở bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ; ngoài ra cũng lấy các mẫu bệnh phẩm khác như: Máu, dịch đường hô hấp để làm các phương pháp xét nghiệm khác nhau. Cụ thể, các phương pháp xét nghiệm được triển khai từ xét nghiệm sinh học phân tử đến các xét nghiệm thông thường khác để xác định. Với dịch tổn thương ở vùng da, chúng tôi tách chiết các vật liệu di truyền có nghi ngờ nhiễm virus đậu mùa khỉ ra; sau đó nhân đoạn gen đặc hiệu đó ra, từ đó có thể xác định được chính xác khi có ca bệnh”.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ca bệnh xác định mắc đậu mùa khỉ là trường hợp có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus đậu mùa khỉ.
Ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như:
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh.
- Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
- Người có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.
Các trường hợp nghi ngờ sẽ được cách ly theo dõi, làm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định ca bệnh.
Đến nay, Việt Nam chưa công bố ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên các biện pháp phòng bệnh đang tích cực được triển khai; trong đó ý thức phòng bệnh của người dân cũng rất quan trọng.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, để phòng bệnh đậu mùa khỉ, mỗi người không nên tiếp xúc, hoặc giết mổ những động vật không rõ nguồn gốc; những động vật ốm, chết.
Phòng bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người bằng cách hạn chế tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ hoặc được khẳng định mắc đậu mùa khỉ; hạn chế tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng có chứa virus của người nghi ngờ mắc bệnh. Đậu mùa khỉ cũng lây qua giọt bắn đường hô hấp nên việc đeo khẩu trang thường xuyên, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn cũng là biện pháp giúp phòng bệnh./.