Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em
Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là nghĩa vụ của cha mẹ, những người thay thế cha mẹ và các cơ quan đoàn thể, tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hành vi bạo hành, ngược đãi, đánh đập trẻ em xảy ra khá nhiều, gây hoang mang, bất bình, bức xúc cho nhiều người.
Bảo vệ trẻ em không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội, là trách nhiệm cộng đồng mà còn là những chế định pháp luật để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em?
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án. Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Sau Hiến pháp thì các văn bản luật như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự,... đều có các quy định cụ thể hóa nội dung Hiến pháp để bảo vệ quyền trẻ em.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, còn ở độ tuổi rất nhỏ, gần như không có khả năng tự bảo vệ bản thân. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là nghĩa vụ của cha mẹ, những người thay thế cha mẹ và các cơ quan đoàn thể, tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật. Bảo vệ trẻ em không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội, là trách nhiệm cộng đồng mà còn là những chế định pháp luật để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.
Điều 6, Luật Trẻ em quy định các hành vi bị cấm, trong đó cấm: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ,…
Khoản 12, Điều 6 Luật Trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi: “Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi…”.
“Do vậy, hành vi bạo hành, bạo lực, đánh đập, hành hạ trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em vi phạm điều cấm của Luật Trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Đối với hành vi bạo hành, bạo lực, đánh đập, hành hạ trẻ em mà kết quả xác minh, giám định thương tích cho thấy trẻ em bị thương tích thì dù thương tích dưới 11 %, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội với người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục,…
Trường hợp trẻ em không có thương tích, hậu quả chỉ là tổn thương tâm lý thì vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự do hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Hình phạt có thể tới 03 năm tù.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
“Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên”.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt, đặc thù cần được sự quan tâm, bảo vệ của cả cộng đồng xã hội. Trẻ em cần được bảo vệ chăm sóc bởi những người lớn có đạo đức, có tình yêu thương và có kỹ năng, nghiệp vụ trong việc giáo dục trẻ em. Vì vậy, Luật sư Cường cũng kiến nghị, các vụ án hình sự có liên quan đến hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em cần được xét xử công khai để tuyên truyền pháp luật, răn đe cảnh tỉnh đối với xã hội, đồng thời góp phần hạn chế những vụ việc tương tự có thể xảy ra.