Các quy định người đi thuê nhà cần biết
Thuê nhà là một trong những giao dịch khá phổ biến trên thực tế, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, không ít trường hợp người đi thuê phải chịu thiệt khi phát sinh tranh chấp với chủ nhà vì không nắm rõ những quy định pháp luật liên quan.
Quy định về đăng ký thường trú, tạm trú
Người thuê nhà sẽ được đăng ký tạm trú hoặc thường trú tại chỗ ở mà mình đã thuê nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Luật Cư trú 2020.
Thông thường người đi thuê nhà đều là những người từ các địa phương khác đến, mà theo quy định tại Luật Cư trú thì một trong các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú là công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng...
Vì vậy, để tránh rủi ro bị xoá đăng ký thường trú thì người đi thuê nhà nên đăng ký tạm trú tại nơi mà mình thuê nhà. Đồng thời, việc thực hiện đăng ký cư trú tại nơi ở mới là nghĩa vụ của công dân, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hợp đồng thuê nhà phải lập thành văn bản nhưng không bắt buộc công chứng
Luật Nhà ở 2014 quy định hợp đồng thuê nhà do các bên thoả thuận và phải được lập thành văn bản, trong đó có chứa các nội dung gồm họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên; mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
Đồng thời, hợp đồng phải thể hiện thời hạn và phương thức thanh toán tiền, thời hạn cho thuê, quyền và nghĩa vụ của các bên, cam kết của các bên; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng...
Ngoài ra, hợp đồng cho thuê nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, khi đi thuê nhà, người thuê cần lập hợp đồng đúng quy định để nếu phát sinh tranh chấp thì quyền lợi sẽ được bảo đảm.
Chủ nhà chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong một số trường hợp
Theo quy định, trong thời hạn thuê nhà đã thỏa thuận trong hợp đồng, chủ nhà chỉ được quyền đơn phương chấm dứt và thu hồi nhà đang cho thuê trong một số trường hợp nhất định.
Cụ thể, Điều 428, Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 132, Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng, hay bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng... thì chủ nhà được thu hồi nhà đang cho thuê.
Ngoài ra, trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở.
Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê.
03 trường hợp người đi thuê nhà được chấm dứt hợp đồng trước hạn
Điều 132, Luật Nhà ở 2014 quy định, trong trường hợp hợp đồng thuê nhà còn hạn, người đi thuê có quyền chấm dứt khi bên cho thuê nhà không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng hoặc chủ nhà tăng giá thuê bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo trước theo thỏa thuận.
Ngoài ra, khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba thì người đi thuê cũng được quyền chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Quyền tiếp tục thuê nhà ở trong một số trường hợp đặc biệt
Khi hai bên đang thực hiện hợp đồng mà phát sinh các tình huống đặc biệt thì để đảm bảo quyền lợi cho người đi thuê, luật pháp quy định về quyền được tiếp tục thuê nhà.
Đơn cử như trường hợp chủ nhà chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.