Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 04/11/2021 17:10 (GMT+7)

Các loại giấy tờ, tài liệu dùng để chứng minh chỗ ở hợp pháp

Theo dõi GĐ&PL trên

Công dân khi đăng ký thường trú, tạm trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp thì tùy trường hợp mà xuất trình một trong các loại giấy tờ sau đây theo quy định tại Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021).

tm-img-alt
Người dân được làm thủ tục nhanh gọn ở Công an xã Tân Ước, Thanh Oai, TP. Hà Nội.

Từ ngày 1-7-2021, Luật Cư trú 2020 bắt đầu có hiệu lực. Việc tối giản mọi thủ tục hành chính, chuyển từ quản lý bằng giấy tờ, sổ sách sang quản lý bằng công nghệ, rút ngắn khoảng thời gian đăng ký thường trú, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính đang được ủng hộ rộng rãi.

Công dân khi đăng ký thường trú, tạm trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp thì tùy trường hợp mà xuất trình một trong các loại giấy tờ sau đây theo quy định tại Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021).

Cụ thể:

1. Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

2. Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

3. Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

4. Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

5. Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

6. Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

7. Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

8. Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

9. Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

10. Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

11. Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm:

Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.

Luật Cư trú 2020 đang đi vào triển khai hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân trên cả nước. Các cán bộ chiến sĩ quản lý hành chính cũng đang nỗ lực hết mình để hướng dẫn, phục vụ nhân dân tận tình, chu đáo nhất.

Theo Luật Cư trú năm 2020, người dân sẽ được đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương khi đáp ứng đủ 2 điều kiện:

Thứ nhất, được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký cùng hộ gia đình đó.

Thứ hai, bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2/1 sàn/1 người. Luật Cư trú năm 2020 cũng quy định cơ quan đăng ký thường trú là công an cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, công dân không phải mất thời gian đến công an quận, huyện để làm thủ tục. Thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà người thân cũng được đơn giản hóa. Người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Thời gian giải quyết đăng ký thường trú chỉ còn 7 ngày làm việc thay vì 15 ngày như luật cũ.

Cùng chuyên mục

Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?
Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Xác định tài sản riêng của vợ chồng thế nào?
Theo quy định hiện nay, muốn chứng minh tài sản riêng của vợ chồng cần dựa trên những căn cứ nào? Tài sản riêng của tôi là căn hộ vợ/chồng tôi đang ở thì tôi có được bán để xử lý việc cá nhân hay không?
Điều kiện để di chúc có hiệu lực
Di chúc là giấy tờ hợp pháp thể hiện nguyện vọng, mong muốn của một người về cách phân chia tài sản của người đó có được sau khi chết. Tuy nhiên, trong thực tiễn có không ít trường hợp người lập di chúc do thiếu hiểu biết pháp luật khiến di chúc được lập không hợp pháp dẫn tới tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn giữa những người thừa kế, gây mất tình cảm, đoàn kết.

Tin mới